MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xanh hoá giao thông công cộng - nhanh hơn, lợi thế hơn

Minh Ánh thực hiện LDO | 12/01/2024 07:55

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, trong cuộc đua chuyển đổi xanh, ai nhanh chân người đó có lợi thế.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Minh Ánh

Thưa PGS.TS Bùi Quang Tuấn, cơ hội cho việc phát triển giao thông xanh tại Việt Nam là như thế nào thưa ông?

- Phát triển bền vững là một chương trình rất toàn diện, đa mục tiêu và trở thành một xu hướng chủ đạo và được cam kết thực hiện ở quy mô và cấp độ toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu đó thì chúng ta phải xanh hoá các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Việc chuyển đổi phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hoá thạch sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng điện trong thời gian sớm sẽ giúp chúng ta hạn chế được các chi phí xử lý phương tiện cũ.

Nhiều quan niệm cho rằng, chuyển đổi xanh là đối với các nền kinh tế phát triển và cho người giàu và đấy là trò chơi của người giàu. Tôi cho rằng, suy nghĩ như thế là cực đoan. Đây là trò chơi của tất cả. Ai nhanh chân thì người đó có lợi thế.

Hiện nay Việt Nam đã có những tiềm năng, lợi thế như thế nào trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng xanh, thưa ông?

- Lợi thế lớn nhất là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tiên phải nói đến các chủ trương về thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, tiếp tục phát triển các thị trường.

Các chủ trương này đã có trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, chúng ta đã xác định là phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng đến hiệu quả, chất lượng, dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030 đã xác định rõ một định hướng quan trọng là phải phát triển kinh tế xanh. Mà kinh tế xanh chính là bao hàm năng lượng sạch.

Thứ hai là các chính sách trực tiếp hơn như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của cả giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030 đều nhấn mạnh đến nội dung xanh hoá sản xuất và xây dựng lối sống xanh. Trong đó có nhấn mạnh đến chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo, giảm cường độ phát thải trên GDP.

Ngoài ra, Việt Nam còn có chính sách về kinh tế tuần hoàn thể hiện qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trong những chủ trương chính sách trên, mục tiêu xanh hoá các ngành, trong đó có ngành giao thông là rất rõ. Ví dụ, để tăng trưởng xanh, chúng ta đặt mục tiêu phải sử dụng nhiều hơn xe buýt năng lượng sạch.

Đến năm 2030, trong các đô thị lớn, xe buýt phải sử dụng năng lượng sạch, đạt ít nhất 15% so với tổng xe buýt hoạt động. Các đô thị loại I phải có khoảng 10% số lượng xe buýt mới sử dụng năng lượng sạch - năng lượng pin hoặc khí hoá lỏng.

Như vậy, khung pháp lý để phát triển xe điện đã được hình thành. Dù chưa được đầy đủ nhưng đây là cơ sở quan trọng để chúng ta thực hiện chuyển đổi xanh.

Chúng ta cũng đã cam kết với thế giới tại COP26 rằng, phải đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tương tự như nhiều quốc gia khác. Thưa ông, chúng ta nên có các giải pháp ra sao để phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh?

- Một thách thức lớn là giá xe điện còn cao. Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta cần phải có hai hướng. Thứ nhất là cải thiện công nghệ trong sản xuất xe điện trong đó có công nghệ pin để giảm chi phí sản xuất, qua đó giảm giá xe. Thứ hai là Chính phủ cần có các công cụ tài chính hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để họ có thể đầu tư nhiều hơn về hạ tầng, công nghệ, dịch vụ cho xe điện.

Bài học của các nước đi trước cho thấy, bên cạnh các chính sách, cần phải có nguồn lực khá lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú ý phát triển các ngành dịch vụ (kể cả các dịch vụ thanh toán) và nguồn nhân lực... Đây là các thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chính sách đồng bộ về những vấn đề này và quyết liệt trong thực hiện thì khu vực tư nhân sẽ tích cực tham gia và sẽ dần dần tiến tới làm chủ cuộc chơi.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất xe điện ở trong nước trong việc đóng góp cho sự phát triển thị trường xe điện ở Việt Nam.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn