MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỉ: Nhiều ý kiến đồng tình

TRẦN LƯU LDO | 17/05/2020 16:30
Các chuyên gia đồng tình về sự cần thiết khi xây dựng bảo tàng nông nghiệp 400 tỉ ở Vĩnh Long; nhưng lưu ý về cách làm, để đó không phải là một "bảo tàng chết".

Nông nghiệp, nông dân cần được vinh danh

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) cho rằng, suốt nhiều năm qua, người ta nói rất nhiều và tôn vinh những sản phẩm do nông dân làm ra (như ở An Giang có tượng đài cá ba sa, bông lúa…), nhưng người nông dân tạo ra những thứ đó thì ít được nhắc đến, và gần như không được vinh danh.

Theo ông Hiệp, việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp là cần thiết, qua đó, tôn vinh, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nông nghiệp ở vùng ĐBSCL… Vấn đề là cách làm như thế nào cho hiệu quả.

Nền nông nghiệp và nông dân ĐBSCL cần được vinh danh vì có những đóng góp to lớn. Ảnh: Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Tr.L.

“Đối với những công trình thuộc về yếu tố “vật thể”, chỉ cần có mặt bằng rộng và có tiền là có thể làm được. Quan trọng nhất những yếu tố phi vật thể. Đó là việc tái hiện nếp sinh hoạt xưa của nền nông nghiệp Nam Bộ. Hình ảnh ruộng đồng mênh mang điệu hò cấy lúa, những tình làng nghĩa xóm… Có những nông cụ mà hiện nay ít ai còn nhớ, nếu không nhanh chóng đi tìm những “cao nhân” để tái hiện thì nó sẽ mất luôn vào quá khứ”, ông Hiệp lưu ý.

Đừng để thành "bảo tàng chết"

Đồng quan điểm trên, TS.Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp ĐBSCL, cho rằng: Việc xây dựng bảo tàng để vinh danh nền nông nghiệp ĐBSCL là cần thiết. Quan trọng là không đi theo “lối mòn”, xây dựng những khối “công trình chết”; mà đó phải thực sự là “bảo tàng sống”.

Các nông cụ được tỉnh Vĩnh Long sưu tầm phục vụ cho việc xây dựng bảo tàng. Ảnh: baovinhlong.com.vn.

“Bảo tàng đó không chỉ có “sức sống tại chỗ” mà còn phải lan tỏa, kết nối ra bên ngoài thông qua việc gắn với phát triển du lịch, kết nối các tour, tuyến… Có như vậy, sẽ vừa gìn giữ, phát huy văn hóa lịch sử, vừa quảng bá tôn vinh, lại vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", ông Hiệp nói.

Bên cạnh việc sưu tầm nông ngư cụ; cần phải làm sao để tái hiện lạo nền văn hóa nông nghiệp. Ví dụ, chúng ta chỉ cần phục dựng hình ảnh đi khẩn hoang vùng đất Nam Bộ đã đầy tính nhân văn và sức hấp dẫn.

Cùng với đó là hình ảnh sinh hoạt Nam Bộ xưa với chiếc áo bà ba, khăn rằn; hình ảnh nông dân chèo xuồng đi chở lúa, mua bán giao thương trên sông nước… Trên thế giới, có những bảo tàng đầy sức sống, qua cách làm hình ảnh 3D, họ dựng cả sân khấu kịch để tái hiện lịch sử…

Tái hiện hình ảnh người nông dân và con trâu cày bừa qua điêu khắc gỗ tại một ngôi chùa ở Trà Vinh. Ảnh: Tr.L.

Trao đổi với báo chí, ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL là ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có từ rất lâu, chứ không phải tỉnh Vĩnh Long ngẫu hứng làm. Bảo tàng không phải xây ra cho hoành tráng, tốn kém. Đề án này là vì cộng đồng, để quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm của người nông dân từ xưa đến nay.

Như Lao Động đã thông tin, từ nay đến năm 2027, tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai "Đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Tổng kinh phí 400 dự kiến tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và tỉnh Vĩnh Long, nguồn xã hội hóa (hiện đã có một tập đoàn lớn cam kết tài trợ) và một số nguồn hỗ trợ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn