MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Rừng Sác băng qua rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Chân Phúc

Xây cầu, làm metro kết nối Khu đô thị lấn biển, cảng quốc tế Cần Giờ

MINH QUÂN LDO | 22/07/2023 16:24

TPHCM lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án cầu, đường, mở tuyến metro kết nối với dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Xây cầu, làm đường trên cao

Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TPHCM chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, phà Bình Khánh sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng.

Do dó, dự án cầu Cần Giờ đang được ngành giao thông TPHCM ưu tiên đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay. Dự án sẽ khởi công dịp 30.4.2025, hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh.

Cầu Cần Giờ dự kiến dài khoảng 7,3 km (gồm cả đường dẫn), điểm đầu tại đường 15B (song song với đường Huỳnh Tấn Phát); điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), tổng mức đầu tư cầu Cần Giờ khoảng 12.725 tỉ đồng, tăng hơn 2.700 tỉ đồng so với trước đây do cập nhật lại một số hạng mục. Công trình đang được tính toán đầu tư theo các phương thức: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền, hoặc đầu tư công.

Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh trong tương lai. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, một dự án đáng chú ý khác là xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến cao tốc này mặc dù đi qua huyện Cần Giờ nhưng không có điểm nối với huyện.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam Bộ. Do đó, nếu huyện Cần Giờ được kết nối với tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, các cầu trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng trước năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại.

Tuyến đường nối đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được làm trên cao để hạn chế ảnh hưởng Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Giai đoạn sau năm 2030, để kết nối với dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, một tuyến đường mới và cầu vượt sông Lòng Tàu sẽ được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng.

Đồng thời, đầu tư xây dựng đường trên cao từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, chạy dọc theo đường Rừng Sác đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa.

Đề xuất tuyến metro kết nối Khu đô thị lấn biển

Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TPHCM do có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

TPHCM định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030 trở thành Thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Để gìn giữ "lá phổi xanh", TPHCM lên kế hoạch xây dựng một hệ thống giao thông xanh theo hướng hiện đại.

Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất bổ sung tuyến đường sắt đô thị (metro) tại huyện Cần Giờ vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Tuyến metro này chạy dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) tại huyện Nhà Bè.

Cùng với tuyến metro, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết đang nghiên cứu phương thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ.

Xe buýt hoạt động ở huyện Cần Giờ. Ảnh: Thanh Chân

Theo phương án mà Sở GTVT đang dự kiến, khi cầu Cần Giờ hoàn thành, tại khu vực Doi Mỹ Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) sẽ có một bãi đệm, các phương tiện đi vào Cần Giờ nếu như không phải là xe điện sẽ được gửi lại tại đây. Sau đó sẽ có xe điện trung chuyển công cộng vào tất cả các nơi của huyện Cần Giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn