MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân bắt tay robot được mô phỏng các động tác và điều khiển qua sóng 5G của Viettel ngày 21.9.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xây đô thị thông minh để phục vụ người dân: Làm gì để tận dụng 5G?

MINH QUÂN LDO | 24/09/2019 06:49

TP.Hồ Chí Minh đang rất quyết tâm xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân tốt hơn. Để làm được điều này, thành phố đang đẩy mạnh phát triển mạng 5G và mới đây thành phố là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai thử nghiệm 5G.

Một khi TP.Hồ Chí Minh sớm xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng 5G sẽ mở ra những giải pháp tối ưu hơn trên các lĩnh vực như giao thông thông minh, hành chính công, y tế... và nhiều dịch vụ mới phong phú hơn.

Thời cơ và thách thức trước 5G

5G hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; tạo nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy sáng tạo và phát triển trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như: Giải trí, giao thông vận tải, sản xuất chế tạo, y tế, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, xây dựng thành phố thông minh..., cũng như tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả.

Câu hỏi đặt ra là TP.Hồ Chí Minh cần làm những gì để có thể tận dụng cơ hội này. Ngay như trong vấn đề kẹt xe, lâu nay TP.Hồ Chí Minh bàn và triển khai nhiều giải pháp chống kẹt xe. Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến công nghệ thì cũng mới chỉ là lắp đặt camera giao thông, tích hợp thông tin giao thông lên Zalo và hỗ trợ tra cứu bằng chatbot giúp người dân nhanh chóng nắm được lưu lượng xe cộ.

Trong khi đó, giải pháp phát triển mạnh các ứng dụng trực tuyến để góp phần giảm ùn tắc giao thông, thì chưa tính đến. Ngoài ra, với hàng loạt ứng dụng, dịch vụ trực tuyến như: Đào tạo, mua sắm, đặt và cung cấp suất ăn tận nhà..., nếu lâu nay được phát triển và ứng dụng thật mạnh mẽ thì cũng đã góp phần giảm đáng kể lượng người tham gia giao thông.

Ở góc độ khác, TP.Hồ Chí Minh chỉ có 60% người dân sử dụng smartphone được cho là quá ít. Trong đó, số người sử dụng những thiết bị chỉ có công nghệ 2G, 3G vẫn chiếm đa số, nên khi triển khai mạng 5G người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ. Bên cạnh đó, các hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp vẫn là công nghệ cũ.

Để sẵn sàng cho công nghệ 5G, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ. Đằng sau việc tiếp nhận một dữ liệu thông tin rất lớn, các doanh nghiệp còn phải biết cách khai thác, phân tích dữ liệu đó để tạo ra những thay đổi trong kinh doanh. Những việc này sẽ tiêu tốn khoản kinh phí không hề nhỏ.

Các nhân viên Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn TPHCM đang giám sát giao thông qua hệ thống camera được kết nối với Trung tâm điều hành thành phố thông minh. Ảnh: MINH QUÂN

Để người dân tiếp cận được các dịch vụ thông minh và thuận lợi hơn

Trong thời gian đầu triển khai công nghệ 5G, chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, tốn kém, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức, cá nhân. Để 5G thực sự là một trong những mũi nhọn mang tính đột phá, các chuyên gia cho rằng, TP.Hồ Chí Minh cần chú trọng đặc biệt phát triển các ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G.

Cùng với đó, chủ động khắc phục các mặt trái của công nghệ 5G, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể nảy sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần có sự sáng tạo, đột phá trong tư duy, trong chính sách và cách tiếp cận công nghệ mới.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.Hồ Chí Minh, để phát triển hạ tầng đạt hiệu quả nhất, việc phát triển hạ tầng 5G phải gắn liền với nền tảng hạ tầng 4G hiện hữu, trong đó, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung các trạm thu phát sóng (BTS) giữa các nhà mạng. Xây dựng các BTS thân thiện với cảnh quan môi trường hơn và xây dựng hạ tầng mạng viễn thông bền vững.

Sở Thông tin Truyền thông sẽ hỗ trợ trong việc tích hợp hạ tầng viễn thông vào hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị như bố trí các thiết bị thu phát sóng di động vào cột biển báo giao thông, chiếu sáng, tiểu cảnh cây xanh..., dần thay thế các cột BTS kém chất lượng, thiếu an toàn và không phù hợp mỹ quan.

Cũng theo ông Lê Quốc Cường, TP.Hồ Chí Minh có đủ nguồn nhân lực, có chương trình phát triển vi mạch, từ đó có thể phối hợp với Bộ thông tin Truyền thông, phối hợp với các nhà mạng phát triển các thiết bị đầu cuối, thiết bị lõi phục vụ sử dụng 5G, hướng đến việc kêu gọi “mạng 5G Việt Nam sử dụng thiết bị Việt Nam”.

Trong đề án xây dựng thành phố đô thị thông minh, một trong bốn trụ cột là xây dựng Trung tâm an toàn thông tin, nhằm ngăn chặn chặn rủi ro mất an toàn thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cho người dân. Ông Lê Quốc Cường cho biết, khi 5G được chính thức triển khai, thành phố sẽ tính đến việc giải phóng băng tần 2G vì đây là tần số không đáp ứng dịch vụ dữ liệu như 3G, 4G, để tiết kiệm băng tần phục vụ cho các hệ thống di động khác.

Khi đó, người dân sử dụng nhiều điện thoại thông minh hơn, tiếp cận được các dịch vụ thông minh và tạo thuận lợi cho việc xây dựng thành phố thành đô thị thông minh. Khi đó, thành phố có thể tính đến việc hỗ trợ cho một bộ phận người dân gặp khó khăn trong việc sở hữu smartphone.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn