MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Nhật Hồ

Xây dựng Cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Phương Anh LDO | 07/08/2023 14:04

Sóc Trăng - Sáng ngày 7.8, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề. 

Theo đó, Cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin: Cảng biển Trần Đề là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.

Quang cảnh buổi hội thảo về đầu tư Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: Nhật Hồ

Ông Lâu cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định 886 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cảng biển nước sâu Trần Đề được quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỉ đồng.

Phác thảo Dự án Cảng biển Trần Đề trong tương lai. Ảnh: BTC cung cấp

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch bến cảng là 5.400ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi là 1.400ha với cầu vượt biển dài 18km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Dự kiến đến năm 2028 hoàn thành đầu tư 2 bến cảng TH, cont + 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao). Năm 2030 hoàn thành đầu tư 4 bến cảng TH, cont + 2 bến phục vụ hàng than (bến cứng hoặc phao). Năng lực thông qua bến cảng ngoài khơi đến năm 2030 đạt khoảng 30-35 triệu tấn/năm, định hướng phát triển với công suất có thể đạt 80 đến 100 triệu tấn/năm.

Phối cảnh Dự án Cảng ngoài khơi - Cảng Trần Đề. Ảnh: BTC cung cấp

Ông Hồ Quốc Lực - Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết: Trong 27 năm qua, đơn vị phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng thuộc TPHCM và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tập trung Cảng Cái Mép và Cảng Cát Lái với khoảng cách khá xa, mật độ lưu thông rất cao, phí vận chuyển hai chiều khoảng 700 USD mỗi chuyến cho container 40 feet. Ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như kẹt xe, sự cố giao thông,...

Do vậy, khi quy hoạch cảng nước sâu tại Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) sẽ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp rất nhiều như giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong việc giao nhận hàng hóa. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu mỗi năm từ 1.500 container lạnh 40 feet.

Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan và doanh nghiệp Trung ương - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan và doanh nghiệp Trung ương - nhấn mạnh: Cảng nước sâu Trần Đề có vị trí quan trọng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là cho toàn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo ông Thể, khi cảng nước sâu Trần Đề được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản bài toán giảm chi phí logistics đến mức thấp nhất cho vùng thông qua xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp.

Đặc biệt khi cảng biển hình thành thì việc hình thành các khu, cụm công nghiệp quanh cảng là vô cùng lớn. Để phát huy hiệu quả, hết công năng của cảng, ông Nguyễn Văn Thể đề nghị cần xem xét các phương án thiết kế các dự án từ cảng trên bờ, cầu dẫn và cảng ngoài khơi cho phù hợp.

Cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng hiện nay. Ảnh: Phương Anh

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá cao những đề xuất của tỉnh Sóc Trăng trong việc đề xuất quy hoạch, đầu tư Cảng biển Trần Đề.

Đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết phải quy hoạch cảng biển trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là kết nối các tuyến đường thủy từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong hiện hữu và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công, từ đó phát huy toàn bộ hiệu quả đầu tư từ các tuyến đường này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn