MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa trên cánh đồng ở huyện Vĩnh Linh. Huyện Vĩnh Linh được cơ quan chuyên môn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Ảnh: Tiến Nhất.

Xây dựng nông thôn mới có khởi đầu, không có kết thúc

TIẾN NHẤT LDO | 15/08/2024 07:30

Tỉnh Quảng Trị đang tìm cách tháo gỡ các khó khăn, để triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều xã miền núi nguy cơ rớt chuẩn nông thôn mới

Qua rà soát theo kết quả xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 6.2024, huyện miền núi Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị đạt 189 tiêu chí, xã đạt cao nhất là 17/19 tiêu chí; xã đạt thấp nhất là 6/19 tiêu chí.

Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nhưng chưa đạt 19 tiêu chí, hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 5 xã gồm Tân Hợp, Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 – 2018. Tuy nhiên, đến nay không có xã nào duy trì được 19 tiêu chí. 11 xã đặc biệt khó khăn còn lại đạt từ 6 - 11 tiêu chí, bình quân đạt 7,64 tiêu chí/xã.

Hướng Hóa đề ra mục tiêu đến năm 2025 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% số thôn của các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (38 thôn).

Tuy nhiên, kết quả đạt được trên địa bàn huyện rất thấp và đang gặp phải các khó khăn. Như các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là các xã thuộc khu vực III, có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, tỉ lệ nghèo đa chiều cao, hầu hết hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư hoàn thiện.

Người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa chế biến cà phê. Ảnh: Tiến Nhất

Các xã đạt chuẩn năm 2015 và 2016 đã nỗ lực xây dựng hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt theo các bộ tiêu chí của 2 giai đoạn 2021-2025 nhưng vẫn khó thực hiện được. Tương tự, các xã đạt chuẩn năm 2017 và 2018, có một số tiêu chí đạt ở mức tối thiểu hoặc một số chỉ tiêu được cho phép vận dụng và nợ. Nhưng hiện việc huy động nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 vượt quá khả năng.

Nơi nào khó thì tháo gỡ, nơi thuận lợi thì phát huy

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, không chỉ ở huyện Hướng Hóa, mà ở huyện miền núi Đakrông – nơi có đông người đồng bào thiểu số sinh sống, nguy cơ rớt chuẩn nông thôn mới là rất cao.

Chính vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trước hết, các sở, ban, ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm thành viên ban chỉ đạo trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí. Đặc biệt, là thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu cho các xã khó khăn.

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các ngành liên quan, các xã đã đạt nông thôn mới cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, bài bản, tránh việc chạy theo thành tích.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả. Ảnh: Tiến Nhất.

Được biết, hơn 13 năm xây dựng nông thôn mới, hiện tỉnh Quảng Trị có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 99 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu…

Mới đây, vào ngày 6.8, huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong đã được 8/8 thành viên Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu kín đồng ý đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Trên cơ sở đó, ngày 9.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hai huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong đạt nông thôn mới.

“Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc; xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới không phải là đã "về đích" mà là bàn đạp để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh và huyện đạt chuẩn nông thôn mới” – ông Đồng chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn