MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh ga C9 cạnh hồ Gươm. Ảnh: PV

Xây ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm: "Trước nhà hát Opera Paris cũng có ga tàu điện ngầm"

Thành Trung LDO | 25/08/2018 15:00
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây ga tàu điện ngầm cạnh hồ Gươm là việc nên làm để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ phương án thi công để không ảnh hưởng tới di tích.

Xây để phục vụ nhân dân

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, khu vực xung quanh hồ Gươm là trung tâm của Hà Nội.

Theo quy hoạch từ những năm 80 và quy hoạch được duyệt năm 1992, đây là khu vực tổ chức các hoạt động công cộng, dừng chân đi bộ thưởng ngoạn cảnh quan.

“Để tạo điều kiện cho hoạt động của người dân thì việc bố trí nhà ga ở đây là cần thiết”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Vì theo KTS Nghiêm, việc bảo tồn di sản không chỉ là bảo tồn nguyên trạng, trong quá trình bảo tồn vẫn có thể bổ sung các hoạt động để phát huy giá trị của di sản.

Cùng quan điểm trên, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, việc xây dựng nhà ga C9 để giảm thiểu ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do các phương tiện cá nhân gây ra đó cũng một phần để phát huy và bảo tồn di sản.

Tính sao cho hài hoà giữa bảo tồn và phát triển

Trước câu hỏi có nên việc xây dựng nhà ga C9 cạnh Hồ Gươm, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, cửa ga tàu điện ngầm không sát với di tích, vẫn đảm bảo di tích tồn tại thì không có lý do gì để kéo dài, thay đổi vị trí của nhà ga.

Vị trí đặt ga C9. Ảnh: DV 

Theo ông Tiến, việc xây dựng nhà ga tàu điện ngầm cạnh các di tích không phải không có.

“Ngay trước bảo tàng Louvre Paris và nhà hát Opera Paris ở Pháp cũng có ga tàu điện ngầm”, ông Tiến nêu ví dụ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, giữa phát triển và bảo tồn luôn mâu thuẫn. Trong đó, bảo tồn di sản là trách nhiệm không chỉ của thế hệ hôm nay, mà cả của thế hệ mai sau.

“Thế nhưng, nếu như sự phát triển không quá ảnh hưởng tới di tích hồ Gươm, đền Ngọc Sơn thì không nhất thiết phải di chuyển nhà ga ấy đi nơi khác”, ông Tiến nói.

Cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần tính toán kỹ phương án xây dựng để tránh làm ảnh hưởng tới sự bền vững của di tích.

 Phối cảnh lối xuống nhà ga C9. Ảnh: PV

KTS Nghiêm cũng đề nghị nghiên cứu thêm về hình thức kiến trúc lối lên xuống của nhà ga, lựa chọn phương án thích hợp để hài hoà với cả khu vực hồ Gươm.

Trước nhiều ý kiến lo ngại việc xây dựng nhà ga C9 cạnh hồ Gươm có thể làm sụt lún, ảnh hưởng tới địa chất, thuỷ hệ của khu vực, đại diện chủ đầu tư cho biết đã có số liệu khoan khảo sát địa chất và đánh gia tổng thể về địa chất thuỷ văn tại khu vực này.

Hầm nhà ga ngầm C9 cách chân tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp 1m. Thân ga (dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10m, tới tượng đài cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m, tới Tháp Bút 36m.

Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn