MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết kế mới của sân vận động Hàng Đẫy.

Xây mới SVĐ Hàng Đẫy 6000 tỉ: Có gây ùn tắc giao thông?

Thảo Anh LDO | 13/10/2018 08:00
Tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) dự kiến sẽ bao gồm cả cụm công trình dịch vụ, khu vực văn phòng, trung tâm thương mại. Trước phương án xây dựng này, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, giao thông Hà Nội dễ rơi vào thế trận "tắc càng thêm tắc".

 UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng). Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2018 để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31. 

"Nhồi nhét" công trình - giao thông quá tải

Đề án sẽ sử dụng diện tích 32.158 m2, bao gồm khu vực sân vận động Hàng Đẫy diện tích 23.433 m2 và phụ cận (nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức diện tích 6.938 m2, khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư diện tích 1.787 m2). Theo kế hoạch, sân vận động Hàng Đẫy được xây mới trên khu đất sân cũ hiện nay, có 20.000 chỗ ngồi, 2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình ở Hà Nội, KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam lo ngại tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy sẽ gây quá tải cho hạ tầng đô thị và ùn tắc giao thông. 

Ông Thông cho rằng trong nội thành, mật độ dân số cao, chỉ nên giảm xây dựng, không nên “nhồi nhét” thêm các công trình. Đất tại Hàng Đẫy không nên xây cao ốc nữa mà thay vào đó nên tận dụng tối đa tạo không gian công cộng như công trình văn hóa, phúc lợi kết hợp công viên để phục vụ người dân. Đấy là nguyên tắc quy hoạch trong nội đô.  

Theo KTS Thông, Trung tâm thể thao Quốc gia Mỹ Đình được xây dựng quy mô với nhiều chức năng nhưng chưa được sử dụng triệt để. TP.Hà Nội cần có các giải pháp linh hoạt để Trung tâm thể thao Quốc gia Mỹ Đình vừa phục vụ các giải quốc tế vừa phục vụ tốt các hoạt động thể thao trong nước, trong đó có thành phố Hà Nội.

“Trường hợp TP.Hà Nội vẫn muốn xây dựng sân mới, tôi cho rằng, nên di dời sân vận động Hàng Đẫy ra ngoại ô để giảm áp lực giao thông đô thị. Với tình hình giao thông hiện nay, việc cải tạo, bổ sung các hạng mục công trình cao tầng trong sân vận động Hàng Đẫy là không phù hợp” - ông Thông nói.

Phải đưa ra hàng chục "kịch bản" chống ùn tắc 

PGS.TS Bùi Công Minh - chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị (trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) nêu quan điểm, trước khi xây dựng sân vận động Hàng Đẫy, chủ đầu tư phải đánh giá tác động giao thông. Việc đánh giá này nên bắt đầu từ việc xây dựng các kịch bản giao thông.

Khu đất xây dựng nhà thi đấu đa năng rộng 6.938 m2, có 1.500 chỗ ngồi. Dự kiến tầng 1 được bố trí sảnh, nhà thi đấu đa năng, khán đài và khu dịch vụ; tầng 2-3 là khu dịch vụ; tầng 4-8, là khu dịch vụ và văn phòng. Ngoài ra, khoảng 1.787 m2 được dành làm văn phòng, 4 tầng hầm, tầng 1 làm quảng trường, tầng 2-4 là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng làm việc và dịch vụ công cộng.

Nghĩa là phải so sánh thực trạng giao thông trước và sau khi xây dựng công trình. Nếu ảnh hưởng đến áp lực giao thông nội đô, yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm đóng góp khoản tiền đáng kể vào ngân sách thành phố. Khoản tiền này để cải thiện cơ sở hạ tầng tại địa điểm đó.

Trong trường hợp chủ đầu tư được phép xây tổ hợp công trình trong sân vận động Hàng Đẫy, thì họ phải có trách nhiệm làm giảm áp lực giao thông như xây thêm vòng xuyến, đường hầm, cầu vượt, có hệ thống camera cảnh báo kẹt xe.

Thậm chí, ở một số dự án, nếu ảnh hưởng đến giao thông, chủ đầu tư phải xây dựng tuyến đường nội bộ và cho phép thành phố quản lý và sử dụng tuyến đường đó.

“Theo tôi có rất nhiều cách để giải quyết mà không phải nhất thiết rơi vào thế “kẹt”. Chỉ trong trường hợp đã đưa ra rất nhiều kịch bản, giải pháp mà vẫn không giải quyết được tình trạng ách tắc thì mới không nên ủng hộ phương án xây dựng tổ hợp sân vận động" - ông Minh nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn