MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xe buýt BRT: TPHCM lắc đầu, Hà Nội kêu quá tải

KHÁNH HOÀ LDO | 12/09/2017 18:00
“Bảo là quá tải, không hẳn là như thế, tôi không tin báo cáo của Hà Nội. Tôi ở Láng Hạ có thấy quá tải bao giờ đâu” - chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - một người sống ngay gần trạm xe buýt BRT nhận xét trước việc Hà Nội cho rằng, tuyến BRT đã thành công bước đầu và thậm chí đang có dấu hiệu quá tải. Khi được hỏi nhiều chuyên gia giao thông thẳng thắn, Hà Nội nên cầu thị như TPHCM và cần tính toán kỹ nếu mở thêm tuyến BRT mới.

Trung bình 13.000 khách/ngày: TPHCM chê ít, Hà Nội kêu quá tải

Ngày 10.9, Sở GTVT TPHCM cho biết, sau khi sở báo cáo về kết quả đánh giá tính khả thi, hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh BRT số 1, UBND TP quyết định dừng triển khai vì số lượng hành khách (dự kiến khoảng 17.700 người/ngày) không nhiều hơn so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư buýt nhanh BRT rất lớn (dự kiến khoảng 144 triệu USD).

Trong khi đó, cùng ngày, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến BRT đầu tiên tại Hà Nội hiện có lượng khách trung bình 13.000 hành khách/ngày và đang có dấu hiệu quá tải.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), 8 tháng kể từ ngày BRT Hà Nội chính thức vận hành đã thực hiện được hơn 82.000 lượt xe, vận chuyển trên 3,2 triệu lượt khách, tương đương với 13.000 lượt hành khách/ngày và trung bình 70 khách/lượt xe. Sở nhận định vào các khung giờ cao điểm, buýt nhanh có dấu hiệu quá tải và đã đạt thành công bước đầu, tỉ lệ chạy đúng giờ đạt gần 99%.

Tuy nhiên, trái với những đánh giá có phần lạc quan của Sở GTVT Hà Nội, thực tế khảo sát của Báo Lao Động cho thấy vào giờ cao điểm, xe buýt BRT khá đông nhưng chưa tới mức “hết chỗ đứng” như một số tuyến buýt thường như 02, 01 còn vào giờ thấp điểm, lượng khách khá thưa thớt chỉ hơn 20 người.

Thời gian đi từ Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa trong lúc cao điểm do PV Lao Động khảo sát trước đó cho thấy, tốc độ của buýt nhanh không khả dĩ hơn buýt thường trên tuyến song song từ Tôn Đức Thắng về bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông).

Trao đổi với báo Lao Động, đại diện đơn vị vận hành tuyến buýt nhanh thừa nhận, BRT đang thu không đủ bù chi và được trợ giá như các tuyến buýt thường.

“Đừng cố đấm ăn xôi”

Trao đổi với báo Lao Động ngày 11.9, chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, quyết định dừng triển khai BRT của TPHCM cho thấy họ rất cầu thị khi nghiên cứu đánh giá cụ thể trước khi triển khai. Ông Thuỷ cho rằng, đây là quyết định cần thiết vì đầu tư BRT không chỉ rất tốn kém mà còn chiếm diện tích đường lớn.

Còn với Hà Nội, chuyên gia này cho rằng, cơ quan chức năng chưa thật cầu thị khi cứ làm theo ý mình mà không lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học. Ông Thuỷ nhận định, nếu Hà Nội vẫn triển khai thêm các tuyến BRT mới thì là “cố đấm ăn xôi” và Hà Nội nên xem xét, nghiên cứu cho kỹ vì “đã sai phải nghe ngóng mà sửa chữa”.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc nhân dân bớt đi xe máy để đi xe bus là điều mừng nhưng cả một hệ thống giao thông công cộng phải nối kết với nhau và không nên trợ giá quá nhiều vì sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách.

Cùng quan điểm, chuyên gia Lưu Bích Hồ khẳng định, không tin BRT bất cứ ở chỗ nào ở nước ta có kết quả tốt vì quan trọng đường của mình không đủ rộng, không có phần làn đường dành riêng cho BRT mà không ảnh hưởng nhiều đến làn đường khác trên cùng một tuyến đường. Chuyên gia này cũng bác bỏ quan điểm của Hà Nội cho rằng BRT đang quá tải và nhận định tuyến BRT số 1 đã vận hành thì cứ triển khai nhưng không nên mở thêm tuyến mới.

Còn theo chuyên gia Phạm Sanh, cần xem xét lại các dự án sắp triển khai tại Hà Nội. Thay vì đổ hàng triệu USD cho BRT, Hà Nội nên đầu tư buýt chất lượng cao.

Sẽ nghiên cứu phát triển BRT cho phù hợp

Nói về việc phát triển xe buýt nhanh BRT, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên của Nhà nước triển khai phát triển loại hình xe buýt nhanh BRT. Thực tế cho thấy hạ tầng của xe buýt BRT tốt hơn, xe buýt BRT chạy trên đường riêng, nhà chờ văn minh, đảm bảo ưu tiên phát triển, có chất lượng dịch vụ cao hơn, trong khi đó kinh phí đầu tư chỉ bằng 1/20 tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm.

Trong khi chưa có tuyến đường sắt đô thị, BRT là giải pháp chuyển tiếp giữa buýt thường và đường sắt trên cao, tàu điện ngầm vì khối lượng lớn, được ưu tiên đường riêng. Do đó, trong thời gian tới Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, có định hướng phát triển sao cho phù hợp. TRẦN VƯƠNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn