MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ phát triển xe buýt mini nhằm góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Quân

Xe buýt mini - hướng mới cho giao thông công cộng xanh ở TPHCM

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN LDO | 06/11/2023 08:32

TPHCM sẽ phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ (còn gọi là buýt mini) để dễ chạy vào đường nhỏ, ngõ hẻm, tăng khả năng tiếp cận hành khách, góp phần đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng tại thành phố.

Sắp có 200 xe buýt điện chở khách ở nội đô

Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch tại TPHCM đang được Công ty TNHH Saigon Public Transport (đơn vị đề xuất) hoàn thiện, cập nhật để trình UBND TPHCM thông qua.

Theo đề án, nhà đầu tư triển khai 200 xe điện 4 bánh từ 5 - 14 chỗ, vận tốc tối đa 30km/h, giá vé 10.000-50.000 đồng mỗi lượt. Việc thí điểm chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, chạy trong phạm vi giới hạn trên địa bàn Quận 1. Giai đoạn 2, phạm vi hoạt động của xe được mở rộng thêm sang Quận 5. Sau đó, xe điện tiếp tục mở rộng đến các địa điểm du lịch trên địa bàn Quận 3, 10 và TP Thủ Đức.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport cho rằng, việc đưa xe điện vào phục vụ nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến của TPHCM như các khách sạn, khu di tích lịch sử, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, phố đi bộ một cách nhanh chóng. Song song đó, hỗ trợ kết nối, trung chuyển hành khách từ các công sở, văn phòng, khách sạn, các trung tâm thương mại, khu giải trí đến các bãi đậu xe, các trạm xe buýt, nhà ga metro…

Đánh giá về đề án này, ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT), cho hay, rất cần thiết vì phù hợp với định hướng phát triển giao thông xanh tại TPHCM. Nghị quyết về tăng cường vận tải hành khách công cộng của HĐND TPHCM cũng chú trọng thành phố sẽ phát triển hệ thống buýt cỡ nhỏ dưới 17 chỗ.

Ngoài ra, đây là loại hình mới, phục vụ theo nhu cầu, có ứng dụng công nghệ và được Bộ GTVT cho phép thí điểm.

Tuyến xe buýt điện D1 (Công viên 23/9 - Thảo Cầm Viên) đã dừng khai thác từ tháng 8.2022.Ảnh: Minh Quân

Trước đó, từ năm 2017, TPHCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện 12 chỗ, giá vé 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư khu vực nội bộ.

Tuy nhiên thực tế, lượng khách đi lại trên các tuyến còn thấp (nhu cầu sử dụng chủ yếu tập trung vào buổi tối, tăng cao cuối tuần, ngày lễ, Tết) dẫn đến nhà đầu tư chưa đảm bảo chi phí hoạt động. Từ tháng 8.2022, Tập đoàn Mai Linh đã ngừng thực hiện tuyến xe điện D1.

Để gỡ khó cho xe buýt mini, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ cần quy định phạm vi hạn chế (không bắt buộc theo tuyến) và thời gian hoạt động (không bắt buộc phải có lịch trình) đối với hoạt động của phương tiện này.

TPHCM sẽ phát triển xe buýt mini nhằm góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Minh Quân

Buýt mini thích hợp với các tuyến đường nhỏ

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố có hơn 2.000 xe buýt hoạt động và phần lớn từ 41 đến 60 chỗ, chủ yếu hoạt động ở các tuyến đường rộng 10m trở lên. Trong khi thành phố có hơn 3.400 đường (trên tổng số gần 5.000 tuyến) có bề rộng dưới 7m, rất khó để xe buýt loại lớn đi vào tiếp cận người dân.

Do đó việc phát triển buýt nhỏ giúp mở rộng phạm vi phục vụ và đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trong phạm vi 500m, thuận lợi cho người dân đi lại. Xe nhỏ dễ kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, những nơi bị hạn chế về hạ tầng...

Ngoài ra, buýt mini cũng giúp gom khách đến các loại hình giao thông cỡ lớn như metro trong tương lai…

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM), hiện khoảng 70% người dân thành phố sinh sống ở các tuyến đường, hẻm nhỏ. Nhu cầu đi lại của họ tự do, không cố định tần suất di chuyển.

Tại khu trung tâm, qua khảo sát bán kính đi bộ tới bến xe buýt gần nhất trung bình 100-300m, nhiều khu vực tới 800m, còn nếu tính từ hẻm trung bình hơn 1km. Nếu tính toán thời gian đi bộ mất 15-30 phút để tới bến xe buýt, nhà chờ, trạm chuyển tuyến... hành khách mất 1-2 giờ mới tới được điểm cần đến. Còn đi xe máy, thời gian ngắn hơn một nửa nên đa số người dân lựa chọn.

"Xe buýt nhỏ là giải pháp giúp thu hẹp bán kính tiếp cận của người dân” - ông Ninh nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, đến năm 2030, xe buýt vẫn là phương tiện chở khách chủ lực của thành phố. Do đó ngoài những giải pháp như thay mới, tăng số lượng và chất lượng phương tiện, cần giảm khoảng cách từ nhà đến trạm xe buýt dưới 200m (khoảng cách theo nghiên cứu người dân chấp nhận đi xe buýt).

"Để đảm bảo hầu hết người dân ở các đường hẻm tiếp cận xe buýt và metro sau này, thành phố cần 3.600 đến 4.500 xe buýt mini" - ông Mai nhìn nhận.

Theo đề án tái cấu trúc mạng lưới xe buýt TPHCM, trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM định hướng thay thế toàn bộ gần 100 tuyến nội thành hiện hữu thành hệ thống 179 tuyến được phân cấp gồm: 18 tuyến trục - 73 tuyến nhánh - 88 tuyến gom.

Cụ thể, 18 tuyến trục sẽ hoạt động theo các hành lang giao thông đông đúc nhất thành phố, có cự ly dài nhất, đi qua nhiều vùng, hầu hết dùng xe buýt lớn có sức chứa tối đa 80 chỗ. Buýt nhánh có hành trình ngắn hơn, kết nối vào tuyến trục và metro, nối liền những điểm đông khách như khu dân cư, trường học, khu công nghiệp, sử dụng xe buýt vừa (55 chỗ) và nhỏ (40 chỗ). Buýt gom tiếp cận các khu vực còn lại, phần lớn có phạm vi hoạt động ngắn trong từng quận, huyện, nối các tuyến công suất lớn hơn, chủ yếu dùng xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ.

Hà Nội đang vận hành 2 tuyến xe buýt cỡ nhỏ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Huy - Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội - cho biết, đơn vị hiện đang vận hành 2 tuyến xe buýt cỡ nhỏ tại Hà Nội là tuyến 145 (Hoàng Cầu - Công viên nước Hồ Tây) và tuyến 146 (Hào Nam - Khu liên cơ Võ Chí Công - Hào Nam).

Trong đó, tuyến xe buýt cỡ nhỏ 146 được vận hành từ tháng 7.2022 kết nối với metro Cát Linh - Hà Đông tại Hào Nam, đi qua nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí và khu phố cổ của Hà Nội bằng loại phương tiện 22 chỗ nhỏ gọn.

Ở thời điểm sau vài tháng tuyến xe đi vào hoạt động, trong một trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Huy cho biết, lượng khách của xe tập trung đông vào thời điểm buổi sáng, chủ yếu đối tượng là vé tháng của công chức. Vị này cũng nhấn mạnh rằng, để thu hút thêm lượt khách, cần phải tạo thói quen cho người dân đối với tuyến xe buýt này (thường độ trễ sẽ từ 3 - 6 tháng).

Phía doanh nghiệp vận hành cũng cho biết tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để thu hút sự quan tâm của hành khách với tuyến xe buýt cỡ nhỏ.

Đình Trường

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn