MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến xe buýt điện số D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn). Ảnh: M.QUÂN

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch ở TPHCM gặp khó khăn

MINH QUÂN LDO | 16/03/2023 10:00

TPHCM đặt mục tiêu phát triển xe buýt sử dụng điện, nhiên liệu sạch để dần thay thế cho xe buýt chạy bằng xăng, dầu. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn về trạm cung cấp nhiên liệu, trạm sạc, đơn giá,... khiến kế hoạch phủ xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch của TPHCM gặp khó.

Xe buýt CNG gặp nhiều bất tiện

Xe buýt nhiên liệu sạch (xe buýt CNG) ngoài chi phí nhiên liệu thấp còn được đánh giá thân thiện môi trường do giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm hơn so với sử dụng dầu diesel.

Từ năm 2014, theo kế hoạch đầu tư mới 1.680 xe buýt, TPHCM đặc biệt khuyến khích đầu tư xe CNG. Thế nhưng đến nay, toàn TPHCM mới chỉ có 496 xe buýt CNG trong tổng số 2.043 xe buýt toàn thành phố.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, nguyên nhân khiến ít doanh nghiệp đầu tư xe buýt CNG do trên địa thành phố đến nay chỉ có 3 trạm nạp khí CNG cho xe buýt, với công suất phục vụ 180 lượt xe/ngày.

Việc hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG còn quá ít nên không thuận tiện cho việc nạp bổ sung nhiên liệu. Ngoài ra, thời gian nạp cho một xe tương đối lâu nên việc chờ đợi để nạp nhiên liệu cho xe ảnh hưởng đến hoạt động của đội xe.

Do chỉ có Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PVGas South) đầu tư trạm cấp và quyết định giá bán nhiên liệu CNG nên về nguồn cung cấp nhiên liệu CNG bị phụ thuộc vào doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư mua mới xe buýt CNG có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu diesel từ 20-50% nên hạn chế việc đầu tư của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Mới chỉ 1 tuyến buýt điện hoạt động

Về xe buýt điện, từ tháng 3.2022, tuyến xe buýt điện số D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện cỡ lớn đầu tiên tại TPHCM được đưa vào hoạt động. Đây là một trong năm tuyến được TPHCM cho thí điểm.

Sau một năm thí điểm, tuyến xe buýt điện D4 đã có 30.195 chuyến, bình quân 108 chuyến/ngày. Tổng số khách đã đạt hơn 679.838 (hơn 20 khách/chuyến).

Xe buýt điện đang đông khách nhưng nhà đầu tư lại xin lùi thí điểm bốn tuyến buýt điện còn lại vào quý IV/2023 thay vì quý III/2022 như kế hoạch trước đó.

Theo Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus - Chi nhánh TPHCM (nhà đầu tư), dù có quỹ đất và đã làm các thủ tục pháp lý để triển khai dự án trạm depot - trung tâm điều hành hệ thống xe buýt nhưng phải chờ thẩm định phê duyệt từ nhiều sở ngành khác nhau. 

Để gỡ vướng, Sở GTVT TPHCM cho biết đã phối hợp phối hợp các sở, ngành và các doanh nghiệp để thực hiện đề án quy hoạch các trạm cung cấp khí CNG cho hệ thống xe buýt của TPHCM và các tỉnh lân cận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Đồng thời, lập đề án cho thuê mặt bằng các trạm điều hành xe buýt để xây dựng các trạm cung cấp khí CNG phụ vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Sở cũng hối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm depot - trung tâm điều hành hệ thống xe buýt điện của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus.

Sở GTVT TPHCM đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khẩn trương tham mưu Sở thực hiện xây dựng định mức dự toán, đơn giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.

Hồi tháng 10.2022, Sở GTVT TPHCM đã thông báo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị tới các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ôtô và Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM.

Theo lộ trình Sở GTVT TPHCM đưa ra, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn