MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Xe điện tiêu thụ mạnh trước khai giảng: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

QUANG HIỆU LDO | 26/08/2019 06:55

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày khai giảng năm học mới 2019 - 2020, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng tại Hà Nội bán xe đạp điện, xe máy dung tích dưới 50cm3như Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Bà Triệu, phố Huế, Xã Đàn… đã khá nhộn nhịp phụ huynh đến mua xe cho con. Theo các chủ cửa hàng tại đây, lượng xe bán ra tăng từ 60 - 70% so với năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, đi cùng với thị trường này là nỗi lo tiềm ẩn xảy ra tai nạn của các em khi tham gia giao thông.

Dòng xe không cần giấy phép lái xe bán chạy

Qua quan sát của chúng tôi, năm nay các hãng sản xuất, nhập khẩu xe đạp, xe máy điện như Anbico, Asama, Pega, Delta, Emperor đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới với mức giá dao động từ 5 - 12,5 triệu đồng/chiếc.

Cụ thể, dòng xe điện M133 Sport được bán với giá 7,3 triệu đồng/chiếc, xe đạp điện Juno Yadea bán với giá 9,8 triệu đồng/chiếc; dòng xe đạp điện Ninja của Nhật được bán với giá từ 9 - 11 triệu đồng/chiếc; xe đạp điện Samurai DK được bán với giá từ 7 - 10 triệu đồng/chiếc... Nhằm kích cầu tiêu dùng, hầu hết các DN sản xuất, kinh doanh xe đạp, xe máy điện đều đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá như tặng 100% phí đăng ký biển số trị giá 1,5 triệu đồng, tặng mũ bảo hiểm, sửa chữa, bảo dưỡng miễn phí định kỳ…

Không chỉ các mẫu xe điện sức mua tăng cao mà các mẫu xe máy dung tích xi lanh dưới 50cm3 cũng đang bán chạy vì nhiều người cho rằng, dù xe đạp, xe máy điện chi phí vận hành kinh tế hơn lại bảo vệ môi trường nhưng có nhiều bất tiện như giá linh kiện rất cao. Trong khi với mức giá từ 12 - 15 triệu đồng, người tiêu dùng có thể mua xe máy loại dưới 50cm3 của nhiều thương hiệu như: Honda Little Cub, Kymco Candy Hi50, Honda Scoopy Crea, SYM Angela và Elegant… Các dòng xe này vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vừa không cần có bằng lái, đổ xăng dễ dàng...

Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn

Bên cạnh những tiện dụng, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy cũng gây nên những bất an khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Về cấu tạo, xe đạp điện, xe máy điện có rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển bởi xe nhẹ, tốc độ có thể đạt tới 50km/h

Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an TP.Hà Nội cho rằng, trong quá trình lưu thông, xe đạp điện, xe máy điện phát ra tiếng động rất nhỏ nên các phương tiện khác khó phát hiện, dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu; còi, đèn xi nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể dẫn đến tai nạn. Tiếp đến với loại xe máy dung tích dưới 50cm3, phần lớn là các em học sinh THPT sử dụng, trong khi các em này cũng vừa từ cấp 2 lên, rất ít em hiểu hết nguyên lý hoạt động của xe, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Nguyễn Quỹ - nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội - cho biết, việc sử dụng xe đạp, xe máy điện, xe máy dung tích dưới 50cm3 của học sinh, sinh viên đang rất nguy hiểm. Phần lớn các phụ huynh mua xe cho con nhưng không dạy kỹ năng lái xe dẫn đến khi tham gia giao thông không xử lý được các tình huống trên đường nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, các bậc phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Còn Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh - Đội trưởng Đội Quản lý xe Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết, hiện Phòng CSGT đang quản lý 152.468 xe máy điện. Trong đó, trung bình mỗi tháng đăng ký mới từ 1.500 - 1.700 xe.

Mở chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm đối với học sinh, sinh viên

Theo Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý gần 7.000 trường hợp đi xe đạp điện, xe máy điện, tạm giữ gần 120 phương tiện.

Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết, mặc dù đã có quy định nhưng nhiều xe máy điện không được chủ sở hữu đăng ký, gắn biển kiểm soát, gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ khi xử phạt. Tiếp đến, người vi phạm phần nhiều là học sinh nên xử phạt bằng tiền cũng gặp khó vì phải chờ phụ huynh các em đến và dẫn tới ùn tắc giao thông. Do đó, với đối tượng này lực lượng CSGT chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền.

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội cho biết thêm, trước thềm năm học mới, Phòng CSGT sẽ yêu cầu các đội CSGT mở chuyên đề kiểm tra, xử lý học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó tập trung vào lỗi không đội mũ bảo hiểm. Đặc biệt, với những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm, CSGT sẽ tổng hợp thông tin và chuyển đến nơi các em theo học, đề nghị nhà trường có hình thức xử lý, theo dõi không để tái phạm.

Cùng với đó, để giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dung tích dưới 50cm3 khi tham gia giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết, đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Trong đó yêu cầu, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và gia đình trong công tác quản lý, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là quy định đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn