MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà xe Hưng Thành vẫn đón, trả khách bình thường sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình. Ảnh: PV

Xe dù bến cóc vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng

TIẾN DŨNG LDO | 02/04/2018 07:06
Ngày 26.3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã ban hành văn bản yêu cầu UBND TP.Hà Nội, các bộ, ngành liên quan xem xét thông tin phản ánh trên Báo Lao Động về tình trạng “xe dù, bến cóc” ngang nhiên lộng hành, phá vỡ luồng tuyến vận tải, gây thất thoát ngân sách nhà nước và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10.4.2018. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Lao Động, sau văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp vận tải vẫn ngang nhiên lộng hành, bất chấp quy định pháp luật.

“1001” cách thách thức cơ quan chức năng

Ghi nhận thực tế của Báo Lao Động, ngày 31.3, các xe hợp đồng “trá hình” xe chạy tuyến cố định vẫn ngang nhiên dừng đỗ, bắt khách trên địa bàn thủ đô. Điển hình nhất phải kể đến nhà xe X.E Việt Nam. Để qua mặt lực lượng chức năng, nhà xe này liên tục thay đổi địa điểm dừng đỗ, bắt khách.

Cụ thể, khoảng 13h ngày 31.3, X.E Việt Nam đã chuyển từ bến cóc CC1.3.1 KĐT Pháp Vân (Hoàng Mai), sang văn phòng mới tại số 10, ngõ 15 Ngọc Hồi (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). Các hoạt động đón trả khách của nhà xe này vẫn diễn ra bình thường, khách đi, khách đến tấp nập như 1 bến xe thu nhỏ.

Ghi nhận thực tế trong khoảng thời gian này, 3 chiếc xe Limousine X.E Việt Nam đã đợi sẵn tại văn phòng mới, nhân viên nhà xe khẩn trương sắp xếp hành lý, chỗ ngồi cho hơn 10 hành khách, chuẩn bị di chuyển về khu vực Hà Nam - Nam Định - Thái Bình.

Tương tự, nhà xe Interbusline có địa chỉ văn phòng tại số 110A Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây cũng là bến cóc đón trả khách của nhà xe này. Tuy nhiên, để đối phó với lực lượng chức năng, nhà xe này đã di chuyển sang 1 bến cóc mới tại gầm cầu đi bộ, chỉ cách văn phòng của nhà xe này chừng 100m. Hoạt động đón, trả khách của Interbusline diễn ra công khai mà không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Ngang nhiên hơn, nhà xe Hưng Thành, có địa chỉ văn phòng tại số 162B Trần Quang Khải cũng chính là bến cóc riêng của nhà xe này. Vào lúc 21h48 ngày 31.3, khoảng 30 khách đã lên xe ngay tại bến cóc cũng là văn phòng nhà xe, hoạt động mua bán vé diễn ra công khai, trước thanh thiên bạch nhật, chỉ có chính quyền địa phương, lực lượng công an và Thanh tra giao thông là không hề hay biết.

Cũng theo ghi nhận của nhóm PV Báo Lao Động, ngày 31.3, các nhà xe Hà Lan Limousine (B10 ngõ 94 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy), Hưng Long (số 1 Thiên Hiền, Từ Liêm), Nhật Tuấn (số 1 Thiên Hiền, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm), Queen Cafe (208 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm), Cố Hương (33 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm), Đại Nam Limousine (C86 Ngõ 153 Trường Trinh, Hoàng Mai)… vẫn hoạt động tấp nập, việc đón trả khách diễn ra công khai mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

“Con voi chui lọt lỗ kim”?

Sau khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND TP.Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động “xe dù, bến cóc”, để giữ nguyên niềm tin kỷ cương, niềm tin phép nước. Tuy nhiên, việc thực hiện của các cấp, ngành và đặc biệt là của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội thì vẫn chỉ là “đánh trống bỏ dùi”.

Hiện đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, nhưng ở đây, ngay cả những người đứng đầu lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và chủ tịch các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP.Hà Nội dường như vẫn nằm ngoài cuộc, để các doanh nghiệp này tiếp tục lộng hành.

Cũng cần nói thêm, đây không phải lần đầu lãnh đạo chính phủ chỉ đạo kiểm tra và xử lý dứt điểm “xe dù, bến cóc”, càng không phải lần đầu báo chí phản ánh về vấn nạn nhức nhối này. 2 năm qua, hàng trăm bài phóng sự điều tra có hình ảnh, bằng chứng rõ ràng, đã phản ánh rõ thủ đoạn và sự ngang nhiên hoạt động trái phép của các xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định, gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, phá vỡ quy hoạch luồng tuyến trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ, đồng thời cũng chỉ rõ sự thờ ơ, vô trách nhiệm của nhiều cán bộ thuộc lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, những “bến cóc” to như con voi vẫn hàng ngày, hàng giờ “chui lọt lỗ kim”, hoạt động công khai giữa thanh thiên bạch nhật, mà đội ngũ cán bộ quản lý địa bàn và lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương không hề hay biết (?).

Ở đây có sự bất thường không hề nhỏ, mà như Báo Lao Động đã chỉ ra trong loạt bài điều tra “Luật ngầm xe dù bến cóc và lợi ích nhóm giữa thủ đô”. Những điều bất thường này không chỉ khiến nhân dân mất niềm tin vào các lực lượng chức năng, mà nguy hại hơn là, nhân dân mất niềm tin vào kỷ cương, niềm tin phép nước. Bài học lớn chỉ ra “lợi ích nhóm” chính là việc 20 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông - Công an TP.Hà Nội vừa bị tạm đình chỉ công tác sau khi báo chí ghi lại cảnh “làm luật” và 7 cán bộ Thanh tra giao thông tỉnh Cần Thơ nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng “bảo kê” cho xe quá tải hoạt động là 1 thực tế, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Ai cũng biết, để “luật ngầm” không còn đất tồn tại thì chỉ cần quy rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách từng địa bàn, từng lĩnh vực. Đồng thời, triệt để ứng dụng khoa học công nghệ để minh bạch, khách quan, trong quản lý, đó cũng là công cụ hiệu quả để Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan gắn kết với nhau quản lý chặt chẽ “xe dù bến cóc”, loại bỏ hoàn toàn các tiêu cực trong hoạt động vận tải.

Trên thế giới, việc áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý trong lĩnh vực vận tải đã được thực hiện và cho kết quả quản lý rất cao. Song, tại Việt Nam, các biện pháp hữu hiệu này vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý về giao thông vận tải triển khai áp dụng. Chính vì thế, vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, tạo cơ hội cho “tham nhũng” phát triển.

Đã đến lúc, chúng ta cần mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động quản lý vận tải, đồng thời thực hiện nghiêm những lời tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng - “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, để minh bạch hoạt động vận tải hành khách đường bộ, lấy lại niềm tin kỷ cương, niềm tin phép nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn