MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện Bến xe Mỹ Đình chỉ còn khoảng hơn 600 đầu xe hoạt động. Ảnh: Tô Thế

Xe dù, hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo

Tô Thế LDO | 24/11/2023 06:50

Bị cạnh tranh không công bằng, nhiều nhà xe chạy tuyến cố định đã bất chấp quy định, chạy rùa bò ngoài đường để gom khách nhằm bù lỗ. Điều này cho thấy, các lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý xe dù, xe hợp đồng trá hình để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính.

Liều mình ra ngoài chạy "rùa bò" đón khách

Có mặt tại bến xe Mỹ Đình những ngày cuối tháng 11, phóng viên chứng kiến cảnh ảm đạm, thưa vắng bên trong bến. Thỉnh thoảng mới có lác đác vài khách, tay xách nách mang tìm xe để lên.

Liên tục đi lại bên trong xe để phủi bụi, chỉnh lại các hàng ghế, anh Lê T.Đ (tài xế xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai) than thở, vào bến đỗ 15 phút rồi mà chưa có khách, trong khi chỉ còn vài chục phút nữa xe phải rời bến. Theo anh Đ, hầu hết các xe trong bến Mỹ Đình đều đang gặp tình trạng tương tự.

"Hôm nhiều nhất xuất bến có 5 khách, còn lại lác đác 2-3 khách. Chạy thế thì không đủ trang trải chi phí nên nhiều khi chúng tôi chấp nhận ra ngoài đi chậm để gom thêm khách, bị công an bắt phạt thì phải chịu" - anh Đ chia sẻ.

Nói về nguyên nhân lượng khách ngày càng giảm, anh Đ thừa nhận, bây giờ ít khách muốn ra các bến để lên xe. Họ thường gọi các xe hợp đồng, xe limousine đón tận nơi.

Cũng chỉ mới có một khách lên xe trong khi vài phút nữa rời bến, anh Trần Đ.T (chạy xe cố định tuyến Hà Nội - Quảng Ninh) không khỏi sốt ruột. Theo anh T, cứ tình hình này không biết doanh nghiệp còn trụ được bao lâu.

Anh T cũng thừa nhận sau mỗi lần xuất bến, nếu không có lực lượng chức năng kiểm tra thì sẽ cho xe chạy chậm để gom khách trước khi đi lên cao tốc Vành đai 3 để rời Hà Nội.

"Xe dù, hợp đồng trá hình đang làm hư các nhà xe tuyến cố định. Vì họ cạnh tranh không lành mạnh, nếu chúng tôi không lách luật một chút thì lấy đâu ra khách. Trong khi những xe đó (xe dù, hợp đồng trá hình - PV) không phải trả phí bến bãi và bao nhiêu loại phí khác nữa thì chúng tôi vẫn đều đặn phải đóng" - anh T bức xúc chia sẻ.

Thay đổi để hút khách

Bến xe Mỹ Đình thời gian cao điểm giai đoạn 2016 có khoảng 1.400 đầu xe hoạt động. Đến trước dịch COVID-19 bùng phát giảm xuống còn khoảng 900 đầu xe. Còn đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng hơn 600 xe.

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Vương Duy Dũng - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - cho biết, đầu tiên liên quan đến Quyết định 2288 phê duyệt Quy hoạch chi tiết các tuyến xe khách cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, theo Quyết định 2288, các tuyến xe khách liên tỉnh đi/đến Hà Nội được quy định rõ: Các tuyến xe phía Nam vào Hà Nội đi theo Quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình.

Thứ hai là do tác động của COVID-19, các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cắt bớt đầu xe ở các bến, thanh lý xe để chuyển sang kinh doanh theo hình thức khác.

Một nguyên nhân khác cũng được đánh giá là có tác động mạnh, chính là sự phát triển của xe dù, xe hợp đồng trá hình.

"Phải nhìn nhận về sự tác động của loại hình này. Tuy nhiên, trong phạm vi quản lý, chúng tôi không thể kiểm soát được các loại xe đó. Chúng tôi chỉ có thể phối hợp với các đơn vị chức năng khác trong việc xác minh các xe vi phạm hoạt động khu vực quanh bến xe" - ông Dũng chia sẻ.

Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cũng đánh giá tầm quan trọng của việc cải thiện chất lượng phục vụ. Theo đó, bến xe Mỹ Đình đang tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại các hạng mục nhằm thu hút hành khách. Việc chỉnh trang sẽ hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán 2024.

Về lâu dài, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cần quy định rõ loại hình xe hợp đồng cho phù hợp thực tế; bổ sung trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã trong quản lý xe “dù”, bến “cóc”, văn phòng đại diện. Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam sớm cải tiến phần mềm dữ liệu giám sát hành trình, camera gắn trên xe khách để tăng hiệu quả sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý, xử lý vi phạm nếu có.

Trước mắt, các lực lượng chức năng, như Thanh tra giao thông, CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý hơn nữa các xe kinh doanh vận tải hành khách chạy sai quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn