MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng hành khách vào bến mua vé xe ở Giáp Bát (Hà Nội) dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 thưa thớt. Ảnh: Thu Giang

Xe ghép nở rộ, doanh nghiệp vận tải cố định gặp khó

LAN NHI LDO | 04/05/2024 06:38

Xe dù, xe ghép, xe tiện chuyến ngang nhiên hoạt động trên đường phố Hà Nội, đã khiến lượng hành khách vào các bến xe cố định như Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm liên tục giảm mạnh. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, loại hình vận tải này đang "bóp nghẹt" những doanh nghiệp vận tải tuyến cố định làm ăn chân chính.

Lượng hành khách vào bến cố định giảm sâu

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Thiệu - nhân viên nhà xe Chân Lý (chạy tuyến cố định bến xe Giáp Bát - Hà Nam) - thông tin, dù là trong dịp nghỉ lễ cao điểm 30.4-1.5 nhưng nhiều nhà xe tại đây khi xuất bến vẫn còn trống rất nhiều ghế.

"Để tránh mất thời gian vào bến cố định chờ đợi, nhiều người dân gần đây thường có thói quen sử dụng dịch vụ đặt xe ghép, xe tiện chuyến để di chuyển, đưa đón tận nhà, trở lại Hà Nội trước và sau dịp nghỉ lễ 30.4-1.5. Dù các cơ quan chức năng liên tục xử phạt thế nhưng thời gian qua dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến, bến cóc vẫn nở rộ, tạo áp lực rất lớn đến các nhà xe, doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định" - ông Nguyễn Văn Thiệu nói.

Tương tự, ông Đoàn Ngọc Hùng - Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Công ty TNHH Văn Minh) - thông tin, thực tế, nhiều xe 16 chỗ thời gian qua đã hoán cải thành xe limousine hoạt động "trá hình" như xe tuyến cố định.

Theo ông Đoàn Ngọc Hùng, trong khi các tuyến cố định phải có giấy phép kinh doanh vận tải, thành lập bộ phận an toàn, có luồng tuyến rõ ràng, nộp ngân sách cho Nhà nước với nhiều loại thuế, thì xe hợp đồng trá hình, xe tiện chuyến, xe ghép, lại không phải nộp thuế cho ngân sách Nhà nước, có thể dừng bắt khách tùy tiện, không mất chi phí hai đầu bến.

Tăng cường xử phạt, quản lý xe ghép, xe tiện chuyến

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có 897 tuyến vận tải hành khách cố định đi 41 tỉnh, thành phố do 502 doanh nghiệp khai thác với 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Riêng doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội có 52 đơn vị với 730 xe, khai thác tại 6 bến xe chính gồm Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Nước Ngầm.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - nhận định, việc số lượng xe hợp đồng gia tăng lên đến hàng chục nghìn xe, chưa kể còn xuất hiện loại hình xe ghép, xe tiện chuyến đang gây ra sự cạnh tranh không công bằng với xe khách tuyến cố định.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, dù Nhà nước, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định như Luật Giao thông, Thuế, Luật Doanh nghiệp... nhưng vẫn rất khó quản lý, xử lý loại hình này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn