MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bến xe khách trung tâm tỉnh Hoà Bình vắng vẻ ngày 26 Tết. Ảnh: Khánh Linh

Xe ghép, xe hợp đồng lên ngôi, xe tuyến cố định "khóc ròng" vì ế khách

Khánh Linh LDO | 06/02/2024 08:19

Khác với cảnh nhộn nhịp, chen chúc hành khách về quê mỗi dịp Tết, năm nay, xe khách chạy tuyến cố định lại vắng vẻ, ảm đạm. Nhiều chủ xe "khóc ròng" vì có nguy cơ bù lỗ.

Xe khách ế ẩm

Ghi nhận tại một số bến xe ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trái lại với cảnh tấp nập, chen chúc thường thấy mọi năm, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều xe khách các tuyến đi tỉnh chỉ có lác đác vài ba khách. Cả lái xe và phụ xe đều "dài cổ" chờ khách.

Anh Nguyễn Văn Sơn - lái xe của nhà xe Khánh Phương tuyến Hà Nội - Kim Bôi, Hoà Bình chia sẻ: "Khách năm nay ảm đạm lắm, ngày Tết cũng như ngày thường. Tôi dự định chạy đến hết ngày 29 Tết mới nghỉ nhưng tình hình này chắc nghỉ sớm hơn 1 ngày. Tiền vé không bù lại nổi tiền xăng".

Theo anh Sơn, thời gian trở lại đây, lượng hành khách đến bến để bắt xe đi, về ngày càng thưa thớt hơn, kể cả ngày thường hay dịp lễ, Tết.

Xe hợp đồng đỗ tại các công viên, bãi đất trống. Ảnh: Khánh Linh

Cũng theo tài xế này, dù hôm nay là ngày 26 Tết nhưng khách đi chiều từ Hà Nội về Kim Bôi trên xe anh chỉ có 6 người trên một xe khách 29 chỗ.

Tương tự, với xe khách Lê Dũng chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên, ngày hôm nay (26 Tết), chỉ vỏn vẹn có 10 hành khách trên một chiếc xe giường nằm 44 chỗ.

Anh Lê Dũng - chủ nhà xe chia sẻ: "Bây giờ xe hợp đồng, xe ghép nhiều nên họ đi xe đó hết. Xe khách chạy tuyến cố định, cứ đúng giờ là chạy, còn xe ghép với xe hợp đồng thì nhiều chuyến và linh động thời gian hơn".

Theo anh Dũng, năm ngoái khách đông, nhà xe còn phải điều thêm xe tăng cường phục vụ khách. Nhưng năm nay thực sự khó khăn, xe nào lâu năm, có tiếng, khách đi quen thì còn có khách đi một chiều từ các thành phố lớn về quê, còn những nhà xe mới thì hoà vốn đã là một điều may mắn.

Dù ghi rõ là “xe hợp đồng“, song các nhà xe vẫn ngang nhiên đón, trả khách giữa đường phố Hà Nội. Ảnh: Khánh Linh

"Chi phí cho 2 chiều đi và về mất khoảng 13 triệu đồng, nhưng với lượng khách trên và giá vé khoảng 350.000 - 400.000 đồng/hành khách thì thực sự là khó khăn.

Lượng khách không lớn, chỉ tập trung vào một vài ngày nhất định nên trong quá trình chạy, chúng tôi vẫn giữ nguyên số đầu xe và lượt xe phục vụ hành khách chứ không sử dụng thêm xe”, ông Dũng cho hay.

Nguyên nhân ế ẩm được hầu hết các lái xe tuyến cố định chỉ ra là do người dân hiện nay chủ yếu chọn dịch vụ xe ghép, xe hợp đồng "trá hình".

Theo nhiều nhà xe, đây là tình hình khó khăn của cả nước nói chung và của ngành vận tải. Nhưng để người dân yên tâm đi lại và về quê ăn Tết, giá vé năm nay của hầu hết nhà xe không có gì thay đổi, vẫn giữ nguyên.

Xe ghép, xe hợp đồng "trá hình" đắt khách

Ở một diễn biến khác, xe ghép và xe hợp đồng lại "đắt hàng" dịp Tết.

Anh Bùi Minh Quân - một lái xe ghép ở Hòa Bình chia sẻ: "Những ngày Tết mình chạy hết công suất để phục vụ khách. Có ngày 2 vòng Hà Nội - Kim Bôi. Tranh thủ mấy ngày Tết kiếm thêm thu nhập".

Những ngày này, trên các hội nhóm xe ghép, xe hợp đồng cũng sôi động hơn bao giờ hết bởi các bài đăng của những lái xe và người có nhu cầu.

Dịch vụ xe ghép, xe hợp đồng sôi động, được hành khách ưa chuộng. Ảnh chụp màn hình

Theo nhiều người chia sẻ, dù xe ghép đắt hơn xe khách tuyến cố định từ khoảng 50.000 - 100.000 đồng nhưng vẫn được lựa chọn bởi thuận tiện. Loại hình này nở rộ đang đe dọa phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải.

Trao đổi với PV, ông Bùi Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La cho hay, xe ghép, xe hợp đồng "trá hình" hiện đang hoành hành khá phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn gặp rất nhiều khó khăn và cần các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, xử lý khi phát hiện tình trạng xe hợp đồng trá hình tuyến cố định.

"Bên cạnh đó, xe khách tuyến cố định cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ để mang lại dịch vụ tốt nhất cho hành khách, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh" - đại diện Sở GTVT tỉnh Sơn La thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn