MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều xe khách bỏ bến xe Miền Đông mới ra ngoài chạy "dù". Ảnh: Minh Quân

Xe khách đồng loạt rời bỏ bến xe lớn nhất nước, Sở GTVT TPHCM nói gì?

MINH QUÂN LDO | 28/10/2022 19:40

TPHCM - Trong số 300 chuyến xe rời bỏ bến xe Miền Đông mới, có khoảng 160 chuyến chuyển sang hoạt động ở bến xe Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga và 140 chuyến ra ngoài chạy "dù".

140 chuyến ra ngoài chạy "dù"

Thông tin trên được ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM thông tin với báo chí chiều ngày 28.10.

Theo ông Võ Khánh Hưng, từ ngày 11.10, có 79 tuyến với hơn 500 chuyến xe được dời từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) về hoạt động tại bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức).

Tuy nhiên, sau khi dời qua bến mới đã giảm gần 300 chuyến xe so với giai đoạn hoạt động tại bến cũ. Đơn cử, số liệu ghi nhận ngày 27.10, bến xe Miền Đông mới giảm 286 chuyến xe.

Hành khách lên xe ở bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: M.Q

Trả lời câu hỏi các chuyến xe này đi đâu, ông Võ Khánh Hưng cho biết có khoảng 160 chuyến đã chuyển sang hoạt động ở 3 bến xe Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga.

Đối với 140 chuyến xe còn lại, nhà xe không chấp hành việc di dời, không vào bến mà đón khách tại một số địa điểm tập kết ở bãi xe 397 Đinh Bộ Lĩnh gần bến xe Miền Đông cũ, các cây xăng dọc đường Quốc lộ 1, quốc lộ 13, địa điểm gần cầu Sài Gòn, cầu vượt Bình Phước,…

Vì sao xe chạy Miền Đông nhưng đón khách ở Miền Tây?

Vì sao đã có bến xe Miền Đông mới nhưng Sở GTVT TPHCM vẫn cấp phép cho nhiều chuyến xe khách vào hoạt động ở bến xe Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga?

Ông Võ Khánh Hưng cho biết, những xe chuyển vào hoạt động tại các bến xe khác, nếu đã nằm trong danh mục đăng ký tuyến thì cơ quan quản lý phải thừa nhận nhà xe làm đúng quy định. Nếu như chưa có trong danh mục đăng ký tuyến, hãng xe mới đăng ký thì Sở GTVT sẽ tạm dừng, chưa xem xét vì việc này có thể ảnh hưởng đến tổ chức giao thông và giảm hiệu quả khai thác ở bến xe Miền Đông mới.

Giải thích rõ hơn, ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, từ năm 2014, quy hoạch danh mục tuyến của Bộ GTVT xác định giữa các tỉnh với nhau có những tuyến nào, bao nhiêu chuyến mỗi ngày. Trên cơ sở đó, các đơn vị vận tải có thể đăng ký hoạt động dựa trên công suất của các bến.

“Đến thời điểm này, tất cả 5 bến xe ở TPHCM chưa có bến nào hoạt động quá 50% công suất. Do đó, phải làm sao cho các doanh nghiệp vận tải vào bến nhiều hơn thay vì cấm không được vào bến này bến kia. Vì vậy hiện nay có những chuyến xe đi Miền Đông nhưng xuất phát từ bến xe Miền Tây và ngược lại" - ông Hải nói.

Trong bến xe trá hình số 397 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: M.Q

Về giải pháp xử lý "xe dù bến cóc", ông Võ Khánh Hưng cho biết, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra xử lý.

Cụ thể, hiện có 3 đội Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT túc trực tại 2 bến xe mới và cũ, một đội tại khu vực Điện Biên Phủ, một đội ở khu vực Quốc lộ 13 và Suối Tiên. Sở cũng điều chỉnh vị trí gắn các camera tại các trung tâm để tăng cường xử phạt nguội.

"Đối với những xe bỏ bến ra ngoài chạy dù, Sở đã yêu cầu các bến tẩy chay không cho hoạt động nữa. Ngoài ra, Sở GTVT tính toán không cấp phép kinh doanh vận tải đối với các xe này" -  ông Võ Khánh Hưng nói.

Để giải quyết căn cơ hơn, Sở GTVT đề xuất phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô.

"Trước mắt, Sở GTVT đề xuất hạn chế xe khách giường nằm trên 30 chỗ, ngoại trừ các xe đặc thù như xe ngành y tế, du lịch. Đề án này sẽ trình UBND TPHCM cuối năm nay. Nếu thuận lợi, đề nán này có thế chính thức áp dụng trước Tết Nguyên đán 2023" - ông Hưng nói.

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, suốt hai năm bến ế khách vì xa trung tâm và thiếu xe kết nối và xe dù bến cóc hoành hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn