MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xe máy, xe ba gác chạy ào ào trên đường vành đai 2 trên cao Hà Nội

KHÁNH AN LDO | 29/05/2023 06:45

Bất chấp biển cấm, nhiều xe máy, xe ba gác vẫn lưu thông trên đường vành đai 2 trên cao (đường Trường Chinh trên cao) của Hà Nội.  

This browser does not support the video element.

Bất chấp nguy hiểm và biển cấm, nhiều người vẫn chạy xe máy lên đường vành đai 2 trên cao. Video: Khánh An

Anh Nguyễn Hải Sơn (Long Biên, Hà Nội) giật mình khi đang lưu thông với tốc độ 75 km/h tại đường vành đai 2 trên cao thì thấy một xe máy chở hàng cồng kềnh vượt lên. 

Anh Sơn cho hay, dù không phải lần đầu tiên bắt gặp những hình ảnh này, song lần nào thấy xe máy, xe ba gác di chuyển lên đây, anh đều cảm thấy hãi hùng trước sự liều lĩnh của những người này.

Làm việc tại khu vực Nguyễn Trãi nên 6 ngày/tuần anh Sơn di chuyển đi - về qua cung đường này. Và lần nào anh cũng bắt gặp hình ảnh những người xe máy đi với tốc độ cao trên đường vành đai 2 trên cao. Không chỉ xe máy, nhiều xe ba gác cũng bất chấp đi lên đây. 

"Trừ những ngày mưa to, còn rất hiếm khi nào di chuyển trên đường này mà tôi lại không bắt gặp những chiếc xe máy. Việc họ chạy xe trên đường này vừa nguy hiểm cho chính bản thân họ và vô tình gây nguy hiểm cho những người lái ôtô như tôi" - anh Sơn nói. 

Anh Trần Quang Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhiều lần cảm thấy bực tức khi phải di chuyển với tốc độ chậm tại lối vào trên đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở) vì đi trước anh là một chiếc xe ba gác. 

"Chỉ vì tiết kiệm vài phút chờ đèn đỏ, tránh tắc đường mà nhiều người liều lĩnh đi lên đường chỉ dành cho ôtô. Nếu không may rơi vào điểm mù của những chiếc ôtô đang đi với tốc độ cao thì nguy cơ tai nạn sẽ rất cao" - anh Trung nói. 

 Phương tiện chở hàng cồng kềnh, lưu thông với tốc độ cao trên đường vành đai 2 trên cao. Ảnh: Khánh An
Việc xe máy lưu thông trên tuyến đường này không chỉ vi phạm luật giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện cùng với các phương tiện đang lưu thông khác. Ảnh: Khánh An

Tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở.

Tuyến đường có gắn biển cấm môtô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có rất nhiều chủ phương tiện thờ ơ với biển cấm, liều mình đi lên đây. 

Đặc biệt vào khung giờ cao điểm, nhằm tránh cảnh ùn tắc tại đoạn Ngã Tư Sở, đường Trường Chinh, nhiều phương tiện đã luồn lách để di chuyển lên đường vành đai 2 trên cao. 

Được thiết kế để ôtô lưu hành với tốc độ cao lên đến 80 km/h, nên việc xe máy và các loại xe ba gác và xe thô sơ cũng đi lên đường vành đai 2 trên cao tiềm ẩn nhiều nhiều rủi ro mất an toàn giao thông.

 Dù là buổi tối muộn, đường Trường Chinh phía dưới thông thoáng, song các phương tiện vẫn di chuyển trên đây để "né" đèn tín hiệu giao thông. Ảnh: Khánh An
  Các phương tiện di chuyển với tốc độ cao trên đường vành đai 2 trên cao. Ảnh: Khánh An

Trao đổi với Lao Động, trung tá Đặng Mạnh Hùng - Đội phó Đội CSGT số 3 – Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết đơn vị vẫn liên tục xử lí các trường hợp vi phạm tại tuyến đường này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn bất chấp biển cấm, bất chấp sự an toàn của bản thân mà liều mình đi lên đường vành đai 2 trên cao. 

"Không chỉ xuất hiện các trường hợp xe máy lưu thông trên đường vành đai 2 hướng Ngã Tư Sở mà những trường hợp này xuất hiện trên toàn tuyến. Những người này tuỳ tiện đi vào đường vành đai 2, dù tất cả các lối lên đều có biển cấm rõ ràng" - trung tá Hùng cho hay.

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.

Ngoài ra, phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (Theo điểm i khoản 3 và điểm b khoản 10 Điều 6). Trường hợp ngoại trừ là các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn