MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đưa máy móc, thiết bị để khắc phục sự cố sạt lở hầm Bãi Gió (đoạn qua Đèo Cả nối tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên). Ảnh: Hữu Long

Xẻ núi vá sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả nối tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên

Luân Long LDO | 14/04/2024 14:50

Theo Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, đơn vị thi công đang thực hiện phương án xẻ núi, đổ bê tông vào trong để vá các vị trí sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió (đoạn qua Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa).

Trưa 14.4, trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh - cho biết, công tác khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió thuộc khu vực Đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn đang được đơn vị thi công tích cực triển khai.

Một vị trí đất đá sạt lở tại hầm Bãi Gió. Ảnh: Hữu Long

Theo ông Vinh, sáng nay (14.4), toàn lực lượng đã cố gắng tiếp cận các vị trí sạt lở, thu dọn đất đá để đưa ra ngoài, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thể triển khai theo phương án này.

"Bây giờ phải khoan từ bên trên núi xuống để đổ bê tông vào trong, sau khi bê tông đông kết thì sẽ tiến hành xử lý các bước còn lại, vì hiện tại không thể khắc phục từ bên dưới lên trên được.

Nhà thầu dự kiến, khoảng 3 ngày tới sẽ khắc phục xong sự cố sạt lở. Tuy nhiên, chưa thể nói trước được điều gì. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục xong sự cố trong thời gian sớm nhất có thể" - ông Vinh nói.

Hành khách được chuyển tải từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại. Ảnh: Hữu Long

Như Lao Động đã thông tin, vào trưa 12.4, hầm Bãi Gió xảy ra đợt sạt lở đầu tiên với khối lượng khoảng 180m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã nạo vét thông hầm.

Đến rạng sáng 13.4, một lượng đất đá với khối lượng khoảng 50m3 lại tiếp tục đổ ập xuống hầm, khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt.

Theo ông Lê Quang Vinh, trước đó, ngành Đường sắt có tổ chức thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Tuy nhiên, việc thi công không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi sạt xuống phía dưới đường ray.

Trước tình hình trên, ngành Đường sắt đã huy động hàng chục xe ôtô để chuyển tải hành khách từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại. Công tác này cũng được đảm bảo an toàn, không có hành khách phải ở lại…

Được biết, hầm đường sắt qua Đèo Cả có tên là hầm Bãi Gió, có chiều dài khoảng 900m, được người Pháp xây dựng từ năm 1930 và hoàn thành đi vào hoạt động năm 1936, phía trên hầm là đường QL1.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn