MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tải công khai vào vận chuyển đất đá lậu mà không bị kiểm soát.

Xe tải ùn ùn ra vào giữa đại công trường khai thác đất lậu ở Khánh Hòa

Hữu Long - Hoài Luân LDO | 18/08/2022 11:51

Khánh Hòa – Mỗi ngày, hàng trăm lượt ôtô tải cấp tập ra vào vận chuyển đất đá trong các mỏ khai thác trái phép ở huyện Cam Lâm. 

Tan hoang đồi núi

Đầu tháng 8.2022, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm – nơi được cho là “thủ phủ” khai thác đất cát "lậu".  Khu vực trước đây cây cối vốn xanh tươi với từng tản đá lớn, nay bị đốn hạ và phá đá để khai thác. Nhìn từ xa, các mỏ khai thác trông tan hoang.

Khoảng 9h, trời nắng gắt. Một con đường tự mở, rộng khoảng 3,5m lót đá cấp phối được mở trái phép, nối tuyến cao tốc Bắc - Nam đang xây dựng, dẫn lên mỏ đá. Tại đây, từng lượt xe tải cấp tập ra và vào các mỏ đá. Mỗi khi xe chạy qua, bụi bay mù mịt. Xung quanh các mỏ, hàng loạt lán trại được dựng lên.

Theo người dẫn đường ở xã Cam Hiệp Nam, đến nay khi đoàn liên ngành huyện Cam Lâm siết chặt hoạt động, một số mỏ lậu đã tạm dừng đào múc khoét núi. Tuy nhiên, chủ mỏ vẫn cử người ở lại trông coi, bảo vệ tài sản và xe tải ra vào chở số lượng đất đá đã khai thác từ trước đó.

Đồi núi bị xẻ để mở đường vào mỏ.
Lán trại được dựng tạm ngay mỏ đá.

Cách mỏ đá lậu nói trên không xa là khu vực bảo vệ của Hồ Tà Lua (xã Cam Hiệp Nam) chung tình cảnh tương tự. 

Qua theo dõi trong thời gian từ tháng 6, 7 và tháng 8, phóng viên Báo Lao Động đã phát hiện các xe tải mang BKS 79H-01128, 79D-5639, 79C-17653… vào khu vực bảo vệ Hồ Tà Nua để vận chuyển đất ra khỏi bên ngoài. 

Xe múc múc đất ở khu vực hồ Tà Lua.

Hậu quả của hoạt động khai thác đất trái phép ồ ạt, khiến khu vực hồ trở nên nham nhở; các hố sâu hoắm xuống lòng đất.

Hai xe tải đi ra từ mỏ đá lậu cách đường cao tốc khoảng 2km.

Đất, đá lậu đi về đâu?

Hoạt động khai thác đất đá "lậu" diễn ra trong thời gian dài.

Một vấn đề dư luận quan tâm là xe tải vận chuyển đất đá đi về đâu. Mất thời gian bám theo, phóng viên phát hiện các đoàn xe tải mang BKS Khánh Hòa di chuyển từ cao tốc rồi đổ về hai xã Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc.

Khoảng 13h chiều 16.8, một chiếc xe tải mang BKS 79C-13141 di chuyển từ cao tốc đi sâu vào đường dân sinh nối cao tốc để ra đường Lập Định, Suối Môn. Đến đường lớn, tài xế nam đánh xi nhan phải, di chuyển khoảng 2km, đến thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam thì rẽ vào bãi tập kết vật liệu Đình An. 

Tiếp tục chiều cùng ngày, một xe tải mang BKS 79K-1677 di chuyển từ cao tốc ra đường Lập Định - Suối Môn, đi đến Tạp hóa Quý Cang thuộc thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam thì rẽ trái. 

This browser does not support the video element.

Địa điểm tập kết của xe tải 79K-1677 là một bãi đất trống.

Xe tải BKS 79K-1677 đi tiếp khoảng 3km đến thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc. Tại đây có một bãi đất với hàng chục xe tải tập kết. Cách đó không xa, 2 người đàn ông hướng dẫn cho đoàn xe đổ đất để xe múc san lấp mặt bằng. 

Trong ngày 16.8,  Báo Lao Động ghi nhận hàng chục lượt xe tải mang BKS Khánh Hòa chở đất đá đi trên tuyến cao tốc Bắc Nam đang xây dựng như các xe 79C-00363, 79H-01521,79C-8141, 79C-00267…

This browser does not support the video element.

Clip xe tải chở đất đá lậu chạy trên tuyến cao tốc đang thi công.

Tranh cãi trách nhiệm quản lý? 

Xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm có diện tích chưa đầy 20km2 nhưng tồn tại hàng chục mỏ đất, đá lớn nhỏ trái phép. Để xảy ra tình trạng khai thác đất đá lậu không thể không nói đến trách nhiệm quản lý của UBND xã Cam Hiệp Nam. Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch xã, thì ông này từ chối làm việc với lý do “xin ý kiến Bí thư xã”.

Cũng nói thêm rằng, chính ông Dũng trong tháng 6 ký văn bản báo cáo huyện Cam Lâm về việc nhân viên Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc Tập đoàn Sơn Hải tiếp tay bán đất dự án cao tốc ra bên ngoài. 

Về phía đại diện Tập đoàn Sơn Hải thì phủ nhận và cho rằng, xe tải thi công của dự án đều BKS tỉnh Quảng Bình và hoạt động trong công trường. Còn xe tải chở đất đá mang BKS Khánh Hòa đều khai thác đất đá trái phép, không thuộc doanh nghiệp quản lý. 

Một xe chở đất lậu công khai chạy trên tuyến cao tốc đang thi công.

Trước hình ảnh về mỏ đất đá lậu mà Báo Lao Động cung cấp, ông Trương Văn Hiến – Phó Trưởng phòng TNMT huyện Cam Lâm khẳng định, xã Cam Hiệp Nam không có mỏ đất đá nào được cấp phép. Những mỏ đá tự phát nói trên đều do về của dân tự ý cải tạo.

Trong quá trình kiểm tra, huyện cũng đã kiểm tra và xử phạt một số trường hợp khai thác đá chẻ và khai thác vật liệu trái phép.

Về lâu dài, ông Trương Văn Hiến cho biết thêm, khi thực hiện đề án quy hoạch khoáng sản của tỉnh trong đó có huyện Cam Lâm, những khu vực nào phù hợp với quy hoạch địa phương sẽ tổ chức đấu giá. Riêng khu vực không phù hợp, địa phương sẽ kiên quyết xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn