MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe hợp đồng nhưng ghi tuyến cụ thể. Ảnh: Hải Đăng

Xe tuyến cố định đội lốt xe hợp đồng ngang nhiên hoạt động

Hiếu Anh - Hải Đăng LDO | 15/09/2023 14:39

Nhiều xe dán nhãn là “hợp đồng” nhưng thực chất là xe chạy tuyến cố định. Các xe này không chịu vào bến mà chạy len lỏi khắp các con đường Hà Nội đón khách. Điều này tiềm ẩn mất an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Xe hợp đồng “trá hình”

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, xe khách tuyến cố định được hiểu là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định. Còn kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được hiểu là vận tải không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều xe đóng mác xe hợp đồng lại chạy tuyến cố định để trốn vào bến và đón trả khách tự do.

Theo ghi nhận của phóng viên, các xe hợp đồng trá hình phủ kín các bến xe, vươn tới các ngóc ngách trong nội đô. Khung giờ hoạt động liên tục từ 5 giờ 30 sáng cho đến 24 giờ đêm, trung bình cứ 2 tiếng sẽ có 1 chuyến.

Vào giờ cao điểm, dọc các tuyến phố của quận Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa… các xe dạng limousine phi như “tên lửa”. Nhiều nhà xe tăng cường 2-3 xe đi vào 1 khung giờ cao điểm nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Các tuyến xe chủ yếu di chuyển về các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên…

Dọc tuyến phố Tôn Thất Thuyết gần bến xe Mỹ Đình, mỗi giờ đi làm cũng như tan tầm, người tham gia giao thông đều cảm thấy khốn khổ. Không chỉ lấn làn, các xe còn vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Anh Lê Văn Thắng, nhà ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, cơ quan anh nằm ở đường Tôn Thất Thuyết, do đó anh phải băng qua khu vực bến xe Mỹ Đình. Mỗi lần đi làm với anh là một cực hình, bởi giờ cao điểm buổi sáng vốn đã đông đúc lại nhiều loại phương tiện chen chúc nhau.

Lợi một nhóm người, bất lợi toàn xã hội

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết, hiện nay đang tồn tại nhiều xe “hợp đồng” trá hình. Do phương tiện liên lạc ngày càng hiện đại, người dân có thể thông qua điện thoại, mạng xã hội liên hệ cho người cung cấp dịch vụ lái xe đến đón ở bất cứ điểm nào không nhất thiết là điểm, tuyến cố định.

Lợi dụng nhu cầu này của người dân, nhiều xe dịch vụ chạy tuyến cố định nhưng vẫn nhận đón/trả khách theo nhu cầu. Việc này có thể đem đến lợi ích cho nhóm nhỏ hành khách.

Tuy nhiên, nếu xét toàn xã hội, loại dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy hại. Thứ nhất, do xe “hợp đồng” trá hình đón khách theo yêu cầu nên đi vào nhiều tuyến phố trong nội đô gây nên ùn tắc. Thứ hai, loại xe này chạy vào ban đêm tiềm ẩn mất an ninh trật tự.

“Hơn nữa, loại xe “hợp đồng” trá hình là bất công cho các xe chạy tuyến cố định đúng luật. Bởi xe chạy tuyến cố định phải vào bến, được cấp phù hiệu và dừng trả đúng điểm. Do đó, việc siết chặt, loại bỏ xe “hợp đồng” trá hình là rất cần thiết” - ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, bộ đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô.

Theo đó, để ngăn xe hợp đồng, trá hình tuyến cố định, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong các thông tin sau dưới mọi hình thức: Hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách (người); địa điểm đón, trả khách.

Trường hợp vi phạm nội dung trên đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn