MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Ngọc Viên

Xe vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ vẫn có thể được bảo lãnh

Xuyên Đông LDO | 10/12/2023 20:13

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tất cả các hành vi vi phạm nồng độ cồn đều có thể bị tạm giữ xe. Nhiều người băn khoăn, họ có thể bảo lãnh xe để tự bảo quản được không?

Anh Lê Thuận ở Hà Nội hỏi: Vừa qua, tôi vi phạm nồng độ cồn nên bị xử phạt và bị tạm giữ xe 7 ngày. Tôi lo ngại, xe bị tạm giữ sẽ dễ hỏng. Tôi muốn bảo lãnh xe để tự bảo quản được không?

Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, người vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ xe có thể đặt tiền để bảo lãnh phương tiện.

Cụ thể, Điều 15 Nghị định 138 /2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2022 về việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:

Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó.

Về trình tự giải quyết việc đặt tiền bảo lãnh cần một số lưu ý.

Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi người có thẩm quyền tạm giữ đề nghị đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông vi phạm hành chính để được giữ, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính.

Trong thời hạn không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị đặt tiền để bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc cho phép đặt tiền để bảo lãnh và giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền đặt bảo lãnh trực tiếp hoặc qua tài khoản cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện.

Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm

Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.

Trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó. Khi trả lại số tiền thừa phải được lập thành biên bản.

Do đó, anh Thuận có thể đến cơ quan công an, nơi ra quyết định xử phạt để được hướng dẫn thủ tục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn