MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyệt thực một phần quan sát từ Israel tháng 8.2017. Ảnh: AFP/Getty

Xem nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ở đâu, mấy giờ rõ nhất?

Thiều Trang LDO | 18/11/2021 14:57

Người dân hãy chọn những vị trí quan sát có góc nhìn rộng, vùng bầu trời lớn, gần sát về chân trời phía Đông để có thể xem nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ngày 19.11.

Quan sát trên thế giới

Không đơn giản như các kỳ nguyệt thực thông thường, nguyệt thực một phần ngày 19.11 dự kiến kéo dài 3 giờ 28 phút, trở thành nguyệt thực dài nhất không chỉ của thế kỷ 21 mà trong hơn 580 năm - dữ liệu của NASA chỉ ra.

Nguyệt thực không tạo ra khung cảnh đột ngột như nhật thực, với hình ảnh như ai đó đang khoét một lỗ đen lên Mặt trời. Với nguyệt thực, Mặt trăng tối đi và đôi khi có màu đỏ. Với nguyệt thực một phần, bóng của Trái đất không bao phủ hoàn toàn Mặt trăng nhưng vẫn là trải nghiệm tuyệt vời.

Hiện tượng nguyệt thực lần này có thể được quan sát tốt tại hầu hết các đảo thuộc Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, hầu hết Australia, một phần Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Trong đó, các đảo ở Thái Bình Dương và quốc gia Bắc Mỹ sẽ là những nơi có điều kiện tốt nhất để quan sát nguyệt thực.

Ở bờ biển phía Tây nước Mỹ, nguyệt thực một phần bắt đầu ngay sau 22h đêm 18.11 (14h ngày 19.11, giờ Việt Nam) và đạt cực đại ngay sau 1h sáng 19.11, cùng thời điểm với trăng tròn cực đại. 

Theo đó, Timeanddate.com đã lên lịch buổi phát trực tiếp ngắm nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ bắt đầu từ lúc 23h ngày 18.11.

Quan sát tại Việt Nam

Hiện tượng thiên văn kỳ thú này có thể quan sát được bằng mắt thường. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cũng như cực đại của nguyệt thực diễn ra khi Mặt trăng chưa mọc ở Việt Nam. Do đó, chúng ta chưa thể quan sát được mà chỉ có thể quan sát giai đoạn sau của nguyệt thực.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, người dân Việt Nam chỉ quan sát được giai đoạn cuối của hiện tượng nguyệt thực một phần.

Theo đó, các tỉnh ở khu vực phía bắc sẽ quan sát tốt hơn, rõ hơn và có thời gian dài hơn. Ở khu vực phía nam, thời gian quan sát ngắn hơn, các khu vực sâu hơn nữa (xuống đến Cà Mau) thời gian quan sát càng ngắn. 

Lý giải về điều này, ông Tuấn Sơn cho biết, mỗi tỉnh, thành sẽ có sự chênh lệch. Ví dụ, tại Hà Nội, từ 17h14', Mặt trăng bắt đầu mọc, 17h47' kết thúc pha nguyệt thực một phần chuyển sang pha nửa tối, người dân có khoảng 30 phút để quan sát. 

Tại TPHCM, 17h26' Mặt trăng mới bắt đầu mọc, 17h47' hiện tượng kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực phía Nam có khoảng thời gian quan sát ngắn hơn.

Theo đó, sau khi kết thúc pha một phần vào lúc 17h47', nguyệt thực chuyển sang pha nửa tối kéo dài tới 19h03'. Ở pha này, Mặt trăng vẫn còn màu đỏ rất nhạt và tối hơn trăng tròn thông thường, nhưng không rõ nét như pha một phần.

Theo Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hiện tượng nguyệt thực một phần ngày 19.11, người dân cả nước cần có góc nhìn rộng, gần sát về chân trời phía Đông. Những người sống ở khu vực ven biển dễ quan sát nhất.

Trong nội thành, người dân cần đứng ở vị trí cao, ví dụ như những tòa nhà cao tầng, ban công,... để có góc quan sát tốt nhất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn