MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến BRT Hà Nội giờ cao điểm. Ảnh: Hải Nguyễn

Xem xét hiệu quả BRT và tính toán kỹ với đường sắt đô thị

Đặng Tiến - Phan Cúc LDO | 27/03/2021 08:44

Xem xét lại sự cần thiết của các tuyến xe buýt nhanh (BRT) và tính toán kỹ với việc đưa tuyến đường sắt đô thị vào quá sâu trong nội thành Hà Nội là hai vấn đề đang được rất nhiều giới chuyên gia giao thông quan tâm, góp ý.

Cần xem xét lại hiệu quả của BRT

Việc tuyến BRT chạy từ Cát Linh vào Yên Nghĩa sẽ hoạt động như thế nào khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào sử dụng đang là vấn đề gây nhiều chú ý.

Theo thống kê, hiện tuyến BRT Hà Nội đạt công suất cỡ khoảng 1.000 hành khách trên 1 làn trong 1 giờ cao điểm. Như vậy, năng lực vận chuyển chỉ cao hơn năng lực của một làn ôtô trong đô thị và chỉ khoảng 50% khai thác xe máy. Do đó, hiện tuyến BRT của Hà Nội đang đứng trước ngã ba đường: Hoặc là tiếp tục đầu tư để vận hành một tuyến BRT theo đúng chuẩn thông lệ của thế giới và ngược lại nếu để tuyến BRT như hiện nay sẽ chỉ là một loại hình vận tải giống như xe buýt thường.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, khi tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác chắc chắn sẽ hút một lượng khách lớn từ BRT. Do đó, cần phải tính toán để hai tuyến này hỗ trợ nhau và điều chỉnh lại các tuyến buýt thường tạo kết nối xương cá chứ không chạy song hành để điều phối khách.

Cũng theo ông Thanh, BRT được nghiên cứu, đầu tư với khoản tiền lớn để giải quyết ách tắc giao thông. Sau một thời gian khai thác, cần phải nghiêm túc đánh giá hiệu quả của tuyến BRT này để tìm ra các giải pháp. Nếu được kết nối với các phương thức giao thông khác thì BRT rất hiệu quả, nhưng hiện nay nó đang chạy độc đạo dẫn đến chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Theo TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia), giao thông không chỉ có 1 - 2 con đường, cần xác định dài hơn khoảng 20-30 năm nữa thành phố sẽ ra sao và con người sống bằng cách nào. Do đó cần tạo ra một hệ thống giao thông công cộng thuận lợi hơn để người dân thay đổi lựa chọn để tham gia.

Theo ông Tạo, việc đầu tiên để giảm ách tắc giao thông là quy hoạch lại toàn bộ thành phố đồng bộ. Hiện chúng ta đang hiểu sai về khái niệm quy hoạch, không phải là tương quan của các toà nhà với con đường mà là thành phố trong tương lai sẽ ra sao.

Thận trọng với đường sắt đô thị
Chạy thử tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Khương Kim Tạo cho rằng, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến phát triển sâu vào lõi trung tâm của thành phố để giải quyết vấn đề giao thông có khả năng sẽ đi vào ngõ cụt. Rõ ràng, Hà Nội có thể phát triển nhiều hình thức giao thông khác nhau như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, các hình thức khác… một cách bài bản thì chúng ta chỉ có thể làm được ở trên một mảnh đất mới. Hoặc cái mảnh đất đó cũng không hẳn là mới nhưng việc xây dựng bên trên nó cũng chỉ ở mức độ mà chúng ta có thể giải phóng mặt bằng dễ hơn. Còn nếu chúng ta cứ đục khoét mãi vào trung tâm, vào Hồ Hoàn Kiếm thì tôi nghĩ rằng không nên làm.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, hệ thống Metro phải có sự kết nối liên hoàn với nhau chứ không thể chạy độc đạo, kết nối với các phương thức giao thông và tự bản thân các tuyến Metro cũng phải kết nối với nhau.

“Muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng thì chỉ để họ đi bộ trong khoảng 1km tới các nhà ga, điểm chờ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thực tế với tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc đào hầm vào sâu nội đô vừa tốn kém vừa có thể sẽ ảnh hưởng đến các kiến trúc phía trên. Do đó, chỉ nên làm đường sắt đô thị đến Cầu Giấy, không cần làm thêm đoạn hầm đi vào trong trung tâm. Khu vực trung tâm nên phát triển hệ thống xe điện và xe buýt cỡ nhỏ để vận chuyển hành khách vào khu trung tâm. Còn theo TS Khương Kim Tạo, chúng ta mất rất nhiều tiền để đi vào đó mà còn đi ngầm cả xuống bờ hồ sẽ rất tốn kém mà chúng ta có thể dùng tiền đó để làm việc khác.

Ông Tạo cho rằng, cần có quy hoạch thấu đáo để làm thế nào mà chi phí ít nhất nhưng có thể giải quyết được vấn đề cho nhân dân cả về trước mắt và cả tương lai, tránh tình trạng sau này tiếc, giá không làm cái đấy thì tốt hơn…

Theo các chuyên gia, giao thông công cộng phải phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân thì mới có thể thành công trong việc phát triển giao thông công cộng.

Hiện nhiều dự án giao thông công cộng tại Hà Nội còn bất cập, gây khó khăn cho người dân tham gia. Như với tuyến BRT, đáng lẽ nên bố trí bên phải tuyến đường để hành khách có thể lên xuống dễ dàng thì Hà Nội lại đẩy vào giữa giải phân cách khiến người dân ra vào bến vừa rất khó khăn vừa nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn