MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc xếp hạng điểm thi tốt nghiệp THPT cần được nhìn nhận là số liệu cực kỳ quan trọng, hỗ trợ cho việc quản lý. Ảnh: Huyên Nguyễn

Xếp hạng phổ điểm: Chạy theo thành tích hay cơ hội cải tiến chất lượng?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 09/06/2020 07:00

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT)tỉnh Quảng Nam - vừa kiến nghị Bộ GDĐT không nên xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi bởi điều này tạo áp lực cho các sở. Bên cạnh ý kiến cho rằng việc này khiến địa phương phải chạy theo thành tích, một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội để có bước cải thiện chất lượng giáo dục.

Ngại áp lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nổi bật với điểm mới khi tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương). Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Tất cả khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Khi có kết quả thi, bộ sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi với kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.

Trước những điểm mới này, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam - đánh giá cao việc bộ sử dụng dữ liệu điểm thi để đối chiếu, so sánh với kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, ông lại kiến nghị bộ không nên xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi của các địa phương.

“Điều này gây bất cập và tạo áp lực cho các Sở GDĐT. Chúng tôi thấy đây là việc... có hại. Trong khi đó, tỉ lệ tuyển sinh tăng dần. Như vậy, kết quả xếp hạng không có tính thuyết phục” - ông Quốc nhấn mạnh.

Đề xuất này nhận được sự quan tâm của dư luận. Chia sẻ về áp lực thành tích, TS Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho rằng, áp lực cơ bản trong trường học là do lâu nay chúng ta vẫn chạy theo thành tích và điểm số.

Thực tế những năm qua, việc xếp hạng điểm thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đáng chú ý, trong số 150 trường được ưu tiên xét tuyển vào Đại học Quốc gia TPHCM, có 68 trường THPT thuộc nhóm các trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong các năm 2016, 2017, 2018. Mùa tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học FPT cũng lần đầu tiên cho ra mắt SchoolRank là công cụ tra cứu xếp hạng học sinh THPT. Khi nhập kết quả thi tốt nghiệp THPT hay điểm học bạ, học sinh có thể kiểm tra được thứ hạng của mình so với học sinh toàn quốc, đây còn là cơ sở quan trọng để Trường Đại học FPT tuyển chọn sinh viên.

Quan trọng ở cách nhìn

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT - nói rằng, về nguyên tắc, Bộ GDĐT không xếp hạng chính thức hay công nhận thành tích gì cả. Mục tiêu của việc phân tích số liệu để có thể đánh giá được tình hình học hành, giảng dạy ở các địa phương, để từ đó có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng.

Theo vị TS, khi có số liệu đó, ngay cả Bộ GDĐT cũng phải có trách nhiệm trong phát triển giáo dục tại từng địa phương. Đây là số liệu cực ký quan trọng, hỗ trợ cho việc quản lý.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, nếu bộ không làm xếp hạng thì cũng có nhiều cá nhân, đơn vị khác cũng thực hiện việc này.

“Ví dụ, sau khi công bố điểm, báo chí cũng làm để phân tích chỗ nào trũng, chỗ nào cao. Chính đó mới là cơ sở để xem đâu là việc cần phải lưu ý. Do vậy, chúng ta cần phải chủ động làm tốt, cứ làm tốt, thực chất, công khai, minh bạch thì chúng ta sẽ có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi” - ông Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành Giáo dục còn cho rằng, các vấn đề liên quan đến phổ điểm, công bố kết quả thi chỉ là những việc mang tính chất kỹ thuật. Do đó, không phải vì thế mà chúng ta lo ngại. Hãy xem đó là chỉ số để cải tiến chất lượng dạy và học ở địa phương tốt hơn.

“Thậm chí, đây cũng là chỉ số để bộ theo dõi nếu như có những tình huống bất thường. Qua đó, bộ có những chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề” - Bộ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn