MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xét xử các vụ xâm hại trẻ em: Phải áp dụng hình phạt tăng nặng

Quỳnh Chi LDO | 27/11/2017 18:42

Trao đổi với PV Báo Lao Động về tình trạng các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em đang rất “nóng” thời gian gần đây, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, xu hướng bạo lực, xâm hại trẻ em tăng lên phản ánh thực tế trong xã hội: Những người trực tiếp tiếp xúc với trẻ hàng ngày, có trách nhiệm chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết pháp luật, khi gây ra các vụ bạo hành, đối diện với pháp luật thì mới thấy ân hận. 

Theo ông Nam, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, từ trước đến nay, tất cả các vụ việc bạo lực trẻ em phần lớn là do chính người thân, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em như cha mẹ, thầy cô, giúp việc… gây ra. Đây là một câu chuyện rất đáng buồn. Những người trong quá trình chăm sóc trẻ lại thiếu kiềm chế và tôn trọng đứa bé đó nên nghĩ họ làm gì cũng được, trút cơn nóng giận lên đứa trẻ.

Ông có thể nêu vài ví dụ về việc các cơ quan chức năng “phản ứng nhanh” với các vụ xâm hại trẻ em thời gian qua?

- Vụ ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) vừa rồi, báo chí đưa tin rất khác nhau. Có báo nói là đã cách ly em bé, có báo nói là chưa cách ly. Theo thông tin tôi cập nhật cho đến 17h hôm qua, cơ quan chức năng đã làm các bước rất đúng quy định: Thành lập hội đồng gồm các cơ quan có liên quan dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện; xuống trực tiếp gặp gia đình và cách ly đứa bé.

Còn việc cách ly, khi nào trả lại gia đình thì phải căn cứ vào lợi ích tốt nhất của trẻ, nghĩa là căn cứ diễn biến tâm lý và môi trường chăm sóc của đứa bé đó. Nhiều báo cứ nói là phải cách ly hay không được cách ly, theo tôi là bình luận rất võ đoán. Việc đó là cả nghiệp vụ của người theo dõi tâm lý, theo nguyên tắc trong luật là phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Khi các em đang hoảng loạn thì nên cách ly hay là để ở nhà là câu chuyện không thể bình luận cảm tính.

Theo ông, việc xét xử những vụ xâm hại trẻ em thời gian đã qua thực sự có tính răn đe hay chưa?

- Hiện nay, việc xét xử các vụ xâm hại  trẻ em tuân thủ đúng pháp luật nhưng chúng tôi kiến nghị các vụ việc này phải áp dụng triệt để Luật Hình sự, áp dụng triệt để những hình phạt tăng nặng. Vấn đề thứ 2 là sau khi xét xử phải có biện pháp truyền thông như thế nào để xã hội nhận thức rằng đụng đến trẻ em là pháp luật sẽ nghiêm trị, người có ý định xâm hại trẻ nghĩ đến mà phải chùn tay lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn