MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ xin cải hoán nghề để kiếm thêm thu nhập trả nợ ngân hàng. Ảnh: Thanh Chung

Xin cải hoán nghề tàu 67 để trả nợ ngân hàng

THANH CHUNG LDO | 19/02/2020 10:00

Nhiều tàu cá được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ ở Quảng Nam khai thác không hiệu quả, phải nằm bờ. Nhiều chủ tàu rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần nên phải cải hoán nghề kiếm thu nhập trả tiền vay ngân hàng.

Cải hoán nghề để trả nợ

Những người sống ven biển thường dựa vào nghề đi biển nhưng khi được hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ (tàu 67) nhiều người lâm vào tình trạng nợ xấu, một số xin cải hoán ngành nghề. Ngư dân Phạm Thanh Trung (51 tuổi) chủ tàu QNa 90659 TS cho biết, được hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67, năm 2016 ông vay vốn ngân hàng 16 tỉ để đóng tàu công suất 880CV để cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và mua cá tươi của các tàu con rồi đưa vào bờ với thời gian sớm nhất.

“Qua 2 năm vươn khơi đi chuyến nào lỗ chuyến đó nên tôi quyết định xin cải hoán nghề, đồng thời phải vay mượn thêm 3 tỉ để cải hoán từ dịch vụ hậu cần sang lưới chụp mực khơi mong muốn có thu nhập để trả nợ cho ngân hàng” - ông Trung cho hay.

Không những tàu dịch vụ hậu cần, các tàu hành nghề lưới vây cũng đồng loạt xin chuyển qua nghề chụp mực vì nhân công đông mà đánh bắt không hiệu quả nên nhiều bạn thuyền không chịu đi đành phải neo đậu ở cảng. Nhiều tàu phải xin cải hoán để kiêm nghề lưới chụp.

Ngư dân Lê Văn Năm (xã Tam Quang) được đóng mới theo Nghị định 67, công suất máy 822,8CV, làm nghề lưới vây đã đưa vào hoạt động khai thác hải sản từ tháng 3.2016, tuy nhiên hiệu quả đánh bắt không cao, khả năng trả nợ gốc hạn chế, nay có nguyện vọng cải hoán để thực hiện nghề lưới vây kiêm nghề lưới chụp. “Các bạn thuyền mong muốn được làm nghề chụp mực còn nếu hành nghề lưới vây thì nhiều, họ không chịu làm vì không đem lại kinh tế. Việc tàu nằm cảng thì không một ngư dân này chịu được nên phải chuyển nghề vừa tạo điều kiện cho các bạn thuyền kiếm thu nhập, mình cũng kiếm thu nhập để trả nợ cho ngân hàng”- Ông Năm nói.

Chưa đi đã lo

Những trước đại dịch virus Corona cửa khẩu giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đóng nên họ cũng lo đầu ra của sản phẩm. Ngư dân Năm cho hay, ở đây đa phần người dân đã chuyển qua làm nghề chụp mực vì trước đây mực có giá và dễ làm nên mọi người đều cải hoán nghề. Nhưng hiện nay, cửa khẩu Trung Quốc đóng cửa chúng tôi cũng lo ngại sau khi đi khơi về lại không được giá các thương lái chèn giá thì thua lỗ nữa.

“Chưa đi đã thấy lỗ. Mỗi chuyến đi khoảng 30 ngày tốn gần 200 triệu tốn mà về giá cả bấp bênh thì lại tiếp tục thua lỗ. Mực xà khô để lâu thì vừa đọng vốn vừa sợ hư mà nếu về trong tình trạng bệnh dịch phát triển như hiện nay thì việc các thương lái chèn ép giá là chắc chắn, vì mình phải bán đi thì mới có vốn để đầu tư tiếp tục vươn khơi chuyến khác”- ông Năm lo lắng.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT - cho biết, hiện nay nhiều tàu đóng theo nghị định 67 của Chính phủ đã xin chuyển đổi nghề và đều được nhà nước chấp thuận. Những tàu này được đưa vào hoạt động nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế, đa phần là tàu dịch vụ hậu cần, tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp và lưới vây đều chuyển sang hành nghề chụp mực vì trong thời gian vừa qua mực có mức giá ổn định nên họ cải hoán. Nhưng cũng chính vì nhiều tàu chuyển sang nghề chụp mực nên trong thực tế hiện nay cũng lo lắng đầu ra của mực xà.

“Những tàu xin cải hoán đa phần đều được chấp nhận vì tạo điều kiện cho ngư dân kiếm thu nhập. Nhưng thị trường tiêu thụ mực xa lớn nhất của Quảng Nam nói chung và nước ta nói riêng là Trung Quốc và Thái Lan. Nhưng trong lúc bệnh dịch đang phát triển có thể một số thương lái chèn giá nhưng đó là giao dịch riêng giữa các doanh nghiệp nên Sở không thể can thiệp” - ông Tấn nói.

Theo lãnh đạo xã Tam Quang, trên địa bàn có 12 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ; trong đó có 3 chiếc tàu vỏ gỗ và 9 chiếc tàu vỏ sắt. Do thời gian dài đánh bắt thua lỗ, mới đây có 4/12 tàu cá đã cải hoán sang chụp mực khơi để tiến hành đánh bắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn