MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Quang Minh đút cơm cho vợ. Ảnh: Lục Tùng

Xin cho vợ được là... “bệnh nhân tâm thần”

LỤC TÙNG LDO | 11/05/2020 13:51

Chuyện tưởng chừng như đùa nhưng lại có thật ở thị trấn Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ông Lê Quang Minh là cựu chiến binh, nhiều năm nay gửi đơn đến cơ quan chức năng xin cho vợ là Đặng Thị Kim Châu được là “người tâm thần”.

Cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy

“Hết cách rồi tôi mới gửi đơn cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy” - ông Lê Quang Minh (sinh năm 1958, khóm 4, thị trấn Lai Vung) lý giải cho việc gởi đơn cầu cứu đến Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan để vợ mình là Đặng Thị Kim Châu (sinh năm 1960, nguyên cán bộ Văn phòng UBND huyện Lai Vung) được công nhận là “người tâm thần”.

Theo đơn trình bày, từ năm 2010, bà Châu đột nhiên bị mất trí nhớ và dần mất kiểm soát hành vi từ việc ăn uống, cho đến đi ngoài... Do phải chăm vợ bệnh, và cả 2 vợ chồng đều không có chế độ lương hưu, lại thêm nuôi hai con đi học, cuộc sống gia đình khó khăn tột cùng. Khó nhất là khi 2 người con tốt nghiệp trung cấp nghề ra trường thiếu việc làm ổn định, không có khả năng trả nợ Ngân hàng Chính sách mà trước đó ông Minh đã vay cho 2 người con đi học nên địa phương cắt chế độ hộ nghèo. Theo đó, bà Châu không được tiếp tục trợ cấp Bảo hiểm y tế theo diện hộ nghèo.

Năm 2005, gia đình được công nhận hộ nghèo, đến năm 2016, khi bệnh tâm thần của vợ tôi nặng lên thêm thì UBND thị trấn Lai Vung lại cắt sổ hộ nghèo” - ông Minh cho biết. Điều này đã dồn đẩy gia đình ông vào thế chân tường. Bởi bên cạnh nỗi lo cơm áo, gạo tiền, giờ đây còn có thêm tiền thuốc cho vợ. Trong tình thế khó khăn tột cùng, ông Minh làm đơn xin xét cho vợ được công nhận là “người tâm thần” mới mục đích duy nhất là được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người khuyết tật với số tiền khoảng 405.000 đồng/ tháng. Tuy nhiên, sau nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng mà vẫn không được chấp nhận, thế cùng, ông Minh đành gửi đơn cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy.

Tâm thần nhưng chưa được là “người tâm thần”

Theo hướng dẫn của cán bộ thị trấn Lai Vung, chúng tôi tìm đến nhà ông Minh, bà Châu nằm trong khu dân cư khóm 4, đúng lúc ông ông Minh đang đút cơm cho vợ. Nhìn ông lão đầu bạc trắng, đút cơm cho vợ, thỉnh thoảng chỉ nói vài câu ú ớ không rõ lời, với đôi bàn tay run rẩy liên hồi, tôi ứa nước mắt.

Theo xác nhận của nhiều người dân lân cận, nhiều năm nay bà Châu không tự phục vụ, ông Minh phải chăm sóc mọi sinh hoạt từ ăn uống cho đến đi ngoài. Sau khi nhờ người ở xóm thay mình đút cơm cho vợ, ông Minh lôi từ túi hồ sơ ra nhiều giấy tờ chứng nhận bà Châu mắc bệnh tâm thần. Như “Kết quả chẩn đoán lâm sàng” của Th.S Lê Hoàng Vân (Khoa Tâm lý liệu pháp - Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đồng Tháp) ngày 10.10.2019 cho thấy: Bệnh nhân mắc bệnh nhiều năm, khả năng nhận thức suy giảm mức độ nặng”. Còn bác sĩ Nguyễn Thành Long - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp, trong Giấy xác nhận tình trạng bệnh tật số 225/GXN-YT ngày 10.10.2019 khẳng định bà Đặng Thị Kim Châu bị chứng “rối loạn tâm thần/Alzheimer”.

Ông Minh cho biết, ông đã nộp toàn bộ giấy tờ này kèm đơn đề nghị đến thị trấn Lai Vung xem xét công nhận. Ngày 16.12.2029, Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật của thị trấn Lai Vung, gồm đại diện Trạm y tế và các tổ chức đoàn thể, do Chủ tịch UBND thị trấn Lai Vung Nguyễn Phước Hùng chủ tọa đã xác định bà Châu không đủ điều kiện để xét hưởng bảo trợ hàng tháng. Lý do là Giấy chứng nhận bệnh của Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp chưa rõ ràng. Hội đồng này đề nghị ông Minh đưa vợ đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định. Tuy nhiên, với tổng chi phí lên đến 2 triệu đồng cho tiền thuê xe, tiền phí... đã vượt quá khả năng của ông Minh.

Ông Nguyễn Phước Hùng cho biết, quyết định không xét duyệt cho bà Châu hưởng bảo trợ hàng tháng dựa trên cơ sở tham mưu của đại diện Trạm Y tế. Ông Lê Bá Hùng - Phó trưởng Trạm y tế thị trấn Lai Vung, thành viên của Hội đồng, giải thích thêm: “Do Giấy chứng nhận của Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp không ghi rõ mức độ bệnh”. Ông Lê Bá Hùng cũng khẳng định: Alzheimer chỉ là bệnh trầm cảm, mất ngủ, vì vậy nếu không ghi thêm chữ “nặng” thì không đủ yếu tố để xem xét hưởng chế độ bảo trợ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc ông Lê Bá Hùng hiểu Alzheimer chỉ là bệnh trầm cảm, mất ngủ và đòi hỏi Bệnh viện Tâm thần cấp tỉnh bổ sung thêm chữ “nặng” vào phía sau bệnh cảnh là chưa chuẩn về kiến thức y học. Không chỉ vậy, nhiều cán bộ địa phương cho rằng cách xử lý của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thị trấn Lai Vung có phần vô cảm vì đã bỏ qua kênh nắm bắt thực trạng bệnh...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Qua tham khảo hồ sơ, bước đầu xác định đây là trường hợp bệnh rất cần được quan tâm, giúp đỡ. Ông Bửu cho biết, sẽ chỉ đạo Sở Y tế  tổ chức đoàn công tác đến tận nhà để xác định mức độ bệnh làm cơ sở để xem xét hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng và nhất là làm sáng tỏ vấn đề trong thời gian sớm nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn