MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lê Văn Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hữu Chánh

Xin xác nhận cư trú thay sổ hộ khẩu: Người dân cần gấp, kết quả trả... chậm

HỮU CHÁNH - VŨ TUẤN LDO | 11/02/2023 13:28

Dù đã bỏ sổ hộ khẩu nhưng trong nhiều giao dịch hành chính hiện nay lại yêu cầu "xác nhận cư trú". Để giải quyết thủ tục, người dân phải chạy qua, chạy lại giữa UBND phường và Công an phường và kết quả không phải khi nào cũng nhận được ngay, việc cần gấp nhưng kết quả xác nhận của cơ quan chức năng lại trả chậm.

Vất vả đi xin xác nhận cư trú

Luật Cư trú năm 2020 trong đó quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, có hiệu lực từ ngày 1.1.2023. 

Mặc dù quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy trong các giao dịch hành chính đã có hiệu lực hơn 1 tháng nhưng hiện nay các thủ tục liên quan tới hộ tịch và cư trú của người dân vẫn khá nhiều trúc trắc.

Không yêu cầu sổ hộ khẩu nhưng khi đi giải quyết thủ tục hành chính, người dân lại cần một loại giấy tờ khác - "giấy xác nhận cư trú".

10h sáng 10.2, anh Lê Văn Hải (36 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến Công an phường Dịch Vọng xin giấy xác nhận thông tin cư trú để làm thủ tục khai sinh cho con. Tại đây, anh được cán bộ công an hướng dẫn viết tờ khai thay đổi thông tin cư trú. 

Sau đó, cán bộ công an hướng dẫn anh Hải nhập dữ liệu lên cổng dịch vụ công để hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, phần mềm có thời điểm xảy ra lỗi nên phải mất một tiếng anh mới hoàn thành xong phần nhập dữ liệu.

Nhưng sau khi nhập xong dữ liệu thì không phải anh Hải được cấp ngay giấy xác nhận cư trú. Anh được hẹn 3 ngày sau quay lại để lấy giấy tờ.

Anh Hải cho biết, việc thông tin công dân được tích hợp đầy đủ trên CCCD gắn chip nên việc bỏ hộ khẩu khi làm thủ tục hành chính phần nào giảm bớt rắc rối.

Tuy nhiên, với người dân chưa thành thạo khai báo online cũng sẽ gặp một số khó khăn. Lúc đó, cán bộ phường sẽ phải hướng dẫn từng chút một nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục của những người khác.

Để rõ hơn về các thủ tục này, trong vai một người dân, PV Lao Động đã thực mục sở thị tại một số nơi đang giải quyết thủ tục hành chính.

Mang theo căn cước công dân gắn chip tới UBND phường Kim Liên (quận Đống Đa) để xin xác nhận tình trạng độc thân thì PV được cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cần phải tới Công an phường để xin xác nhận cư trú.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở UBND phường Kim Liên ở Hà Nội. Ảnh: Hữu Chánh

Có mặt tại công an phường, không chỉ riêng PV mà còn nhiều người dân vẫn đang lần lượt chờ đợi để làm thủ tục xin xác nhận cư trú, thường trú và một số thủ tục khác. Tất cả công dân đều được yêu cầu photo căn cước công dân và khai báo thông tin trực tuyến.

Tuy nhiên, việc người dân chưa thành thạo các thao tác trên cổng dịch vụ công, website thì bị lỗi liên tục cùng và chỉ có một cán bộ công an hướng dẫn người dân làm thủ tục nên quá trình giải quyết thủ tục hành chính diễn ra rất lâu.

Sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng từ 1.1.2023. Ảnh: Hữu Chánh

Và việc khai báo thông tin, nhập dữ liệu chỉ là bước đầu tiên. Giấy xác nhận cư trú sẽ được hẹn trả vào ngày hôm sau.

Mặt khác, việc xin xác nhận cư trú để làm thủ tục kết hôn sẽ mất nhiều thời gian hơn bởi có những công dân từng đăng ký hộ khẩu ở nhiều nơi thì phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở từng khoảng thời gian cư trú.

Đây chỉ là một trong rất nhiều thủ tục hành chính cần xác nhận thông tin cư trú. Nhiều loại thủ tục khác còn mất thời gian hơn. Người dân cần gấp nhưng kết quả  trả thì quá... chậm.

Có nhiều cách để xác định thông tin cư trú

Theo thống kê tại Hà Nội, dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (thông báo lưu trú với 302.220 hồ sơ; đăng ký thường trú là 118.880 hồ sơ).

Phần lớn trường hợp người dân phải đến công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn.

Lý do bởi nhiều người trong khoảng thời gian từ 18 - 40 tuổi biến động chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết, trong khi dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, hiện vẫn có nhiều trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, nhưng vẫn buộc công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú.

Điều nay gây khó dễ, làm chậm, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Hiện vẫn còn một số cán bộ, công nhân viên chức ở UBND trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo như hướng dẫn của Bộ Công an.

"Việc sử dụng giấy xác nhận cư trú chỉ là phương thức cuối cùng trong 7 cách thức xác nhận nơi cư trú của công dân", vị đại diện nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn