MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa hàng ăn uống trên phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) công khai giá dịch vụ trên biển hiệu. Ảnh: Thu Giang

Xóa nạn “chặt chém” khách du lịch ở phố cổ Hà Nội

Thu Giang LDO | 22/02/2024 11:52

Nhằm hạn chế nạn “chặt chém” khách du lịch, nhiều cửa hàng trên phố cổ Hà Nội đã đồng loạt công khai, niêm yết giá dịch vụ khi ngành du lịch Thủ đô đang trên đà tăng trưởng trở lại đầu năm 2024.

Cửa hàng công khai, niêm yết giá

Trao đổi với Lao Động, chị Nguyễn Khánh Chi (kinh doanh cửa hàng ăn uống trên phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách du lịch quốc tế, nội địa đã liên tục đổ về Thủ đô Hà Nội. Nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, xóa nạn chặt chém, hét giá, cửa hàng cũng đã chủ động công khai, niêm yết giá thành trên các biển hiệu để khách du lịch an tâm hơn.

“Việc nhiều cửa hàng kinh doanh tại phố cổ Hà Nội gần đây đồng loạt công khai chi phí, giá dịch vụ để khách du lịch thoải mái lựa chọn, tôi thấy đây là một hành động rất văn minh, giữ hình ảnh Thủ đô đẹp trong mắt du khách. Những năm về trước, do không công khai giá cả nên có không ít cửa hàng, gánh hàng rong trên phố đã lợi dụng điều này để nâng giá, chặt chém khách du lịch gây bức xúc trong dư luận” - chị Nguyễn Khánh Chi nói.

Tương tự, anh Nguyễn Trọng Quang (hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội) chia sẻ, việc công khai mức giá dịch vụ tại các hàng quán là điều nên làm ở phố cổ Hà Nội.

Anh Quang phân tích, khu vực phố cổ Hà Nội là nơi tập trung rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế, hoạt động kinh doanh sầm uất quanh năm. Từ cách công khai giá dịch vụ đã ngăn chặn tư duy làm du lịch theo kiểu “chộp giật”, chèo kéo, khiến du khách ức chế, nhất là những đoàn khách nước ngoài đi lẻ từ 3-5 người...

Cần xóa tận gốc nạn “chặt chém” khách du lịch

Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội đầu năm 2024 cho thấy, ngành du lịch Thủ đô đang có tín hiệu khởi sắc.

Để thu hút du khách đến tham quan, tạo không khí vui tươi đón năm mới, ngành du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, sự kiện, sản phẩm mới hấp dẫn. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong tháng 1.2024 ước đạt 540.000 lượt người, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước tính đạt 395.000 lượt người, tăng 1,9% và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2023.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, TP Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách (tăng 10,4% so với năm 2023). Trong đó, gồm 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú) và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99.770 tỉ đồng.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - nhận định, để hạn chế việc kinh doanh chộp giật, làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt du khách, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc quản lý điểm đến.

Theo ông Thắng, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, bởi việc xử phạt liên quan đến giá cả cần sự vào cuộc của liên ngành như công khai giá niêm yết, xử lý phát sinh khi có kiến nghị của du khách, qua đó, tạo dựng văn hoá du lịch chuyên nghiệp, khiến du khách muốn quay trở lại những lần tiếp theo.

Phản ánh về nội dung này, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Hà Nội cũng cho rằng, tình trạng “chặt chém” du khách những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách quốc tế mà nhiều du khách trong nước cũng rất đắn đo mỗi khi lên kế hoạch đi du lịch, ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong thông tin, trong khi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ đang nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thì tư duy làm ăn “chụp giật” lại xuất hiện ở nhóm kinh doanh nhỏ lẻ. Khi dòng khách du lịch đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ năm 2024, việc cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa với ngành du lịch nói riêng mà cả hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung của nền kinh tế.

Cũng theo chuyên gia, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có các quy chế, quy định cụ thể về giá niêm yết, kiểm soát chất lượng dịch vụ, có các chế tài và quy trình xử lý vụ việc vi phạm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, lập các đường dây nóng, có tổ phản ứng nhanh, túc trực trong mùa du lịch cao điểm để tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn