MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội trình diễn kỹ năng pha chế, một nội dung trong chương trình đào tạo. Ảnh: Ý Yên

Xoay xở lấp khoảng trống nhân lực du lịch

Ý Yên LDO | 11/05/2024 07:05

Việt Nam hiện nay có 195 cơ sở đào tạo du lịch, với khoảng 20.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp hằng năm. Trong đó, khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam được đánh giá là “vừa thiếu, vừa yếu”.

Thiếu nhân sự, yếu chuyên môn

ThS. Nguyễn Thị Minh Thúy, Giảng viên Khoa Du lịch - Đại học Văn hóa Hà Nội, chỉ ra rằng: “Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được các tỉnh trong khu vực quan tâm, cả trong đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng, nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển và gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo đó, đội ngũ lao động nghiệp vụ, đại đa số lao động trong ngành du lịch của vùng chủ yếu là lao động phổ thông ở trình độ thấp, ngoài ra họ chủ yếu là lao động tự do không có tay nghề cơ bản nên hoạt động kinh doanh bị hạn chế và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong kinh doanh du lịch.

Xét về trình độ đào tạo, đa số là lao động phổ thông, còn trình độ đại học và tương đương mặc dù có, song chủ yếu lại tập trung ở cơ quan quản lý Nhà nước. Cơ cấu lao động chưa cân đối, chủ yếu tập trung vào lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng; đội ngũ hướng dẫn viên và liên quan còn thiếu.

Hầu hết lực lượng lao động trong ngành du lịch của vùng được chuyển công tác từ các bộ phận và chuyên ngành khác nhau đến làm du lịch, kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về du lịch chủ yếu được tiếp thu qua các lớp tập huấn ngắn ngày, qua học tập kinh nghiệm... Do đó, số lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, quản lý và kinh doanh hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có.

“Tình trạng trên cho thấy năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ hiện tại bất cập với yêu cầu chung của phát triển du lịch. Do đó, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch là đòi hỏi bức thiết”, bà Minh Thúy cho hay.

Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Hylton Lipkin - Tổng quản lý của Garrya Mù Cang Chải (Yên Bái), - cho biết, doanh nghiệp gặp thách thức khi tìm kiếm nhân sự từ khắp cả nước, tại địa phương và khu vực xung quanh thị trấn. Thách thức lớn nhất là khó tìm nhân sự phù hợp để làm việc tại một vùng xa xôi, tách biệt - dù đây là điểm cộng để hút khách.

“Chúng tôi dành nhiều thời gian đào tạo nhân sự, điều chỉnh các hướng dẫn và phương pháp đào tạo để phù hợp với tình hình tuyển dụng tại địa phương”, ông chia sẻ về giải pháp.

Tư duy toàn cầu, hành động địa phương

Đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh mới, TS. Nguyễn Văn Lưu - nguyên vụ trưởng vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh cần “tư duy toàn cầu và hành động địa phương”.

“Không thể “mạnh ai nấy làm”, mà cần hợp tác quốc tế, với mục tiêu chung, chiến lược chung, chất lượng chung theo tiêu chuẩn dựa trên năng lực thực hiện”, ông Nguyễn Văn Lưu khẳng định.

Theo chuyên gia du lịch này, mỗi địa phương phải có hành động riêng, phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước và con người “bản địa”. Mặt khác, chỉ có các chủ thể phát triển du lịch tại địa phương mới biết rõ nguồn lực có thể khai thác được cho phát triển nguồn nhân lực du lịch của mình; phải đối mặt với thách thức gì, có cơ hội gì, điểm yếu gì và thế mạnh gì trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.

“Mỗi chủ thể phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng phải có hành động riêng, “hành động địa phương”, trong hoạt động để hoàn thành sứ mệnh, đạt mục tiêu đặt ra và để phân biệt với đối thủ cạnh tranh, thay đổi theo hành vi, tập quán của cư dân địa phương, để phát triển nguồn nhân lực du lịch”, TS. Nguyễn Văn Lưu đề xuất.

Ngành du lịch cần khoảng 5,5 triệu lao động trong năm tới. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho nhân sự ngành du lịch.

Chia sẻ tại “Tọa đàm Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường” trong khuôn khổ Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Thạc sĩ Bùi Tất Hiếu - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, nhận định hầu hết các tỉnh thành trên cả nước hiện đều thiếu lượng lớn nhân lực ngành du lịch.

Theo ông Hiếu, sinh viên ngành du lịch phải nắm chắc kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để sẵn sàng “thực chiến” khi ra trường. Sinh viên cần trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, marketing du lịch, kiến thức về hướng dẫn viên du lịch, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành... tùy ngành học cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn