MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phút chia tay với đoàn công dân về nước hoàn thành cách ly đợt đầu tiên, các chiến sĩ chuẩn bị về thăm nhà thì nhận được lệnh tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ

"Xong nhiệm vụ, bố về"

THUỲ TRANG LDO | 25/03/2020 12:10

Tiếng nói cười, thúc giục nhau xếp khay cơm cho chỉn chu, kiểm tra nắp hộp canh cho kỹ khiến bếp ăn của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng - một trong nơi cách ly tập trung dành cho các công dân về nước trong thời điểm dịch COVID-19 - luôn rộn ràng. “Gần 1 tháng nay, 28 anh em chiến sĩ tại đây chưa được về thăm gia đình, mọi người nhớ nhà lắm chứ nhưng không ai nói ra. Con gái gọi thì chỉ nói, xong nhiệm vụ bố về” – các chiến sĩ chia sẻ.

Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng hiện đang là nơi cách ly tập trung của 195 công dân, trở về từ 23 quốc gia trên thế giới.

“Khác với đoàn công dân đợt 1 khi đa phần là du học sinh từ Hàn Quốc thì tại Trung tâm đang có cả người lao động, các du học sinh, nghiên cứu sinh… Nhiệm vụ của chúng tôi cũng có nhiều thay đổi, sao cho việc phục vụ các công dân được tốt nhất” - đại úy Lê Bá Vương – Trợ lý Phòng Chính trị, Phó chỉ huy Khung tiếp nhận tại Trung tâm chia sẻ.

 Bếp ăn của Trung tâm luôn tất bật chuẩn bị những bữa cơm cho công dân.

Nếu mỗi ngày của các công dân cách ly tại Trung tâm bắt đầu bằng việc tập yoga, đi bộ thong thả trong khu vực quy định thì các anh nuôi đã phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho hơn 200 người.

“Bà con ăn sáng xong thì chúng tôi lại chuẩn bị nấu bữa trưa. Rồi dọn dẹp, rồi lại chuẩn bị nấu bữa tối, rồi lên danh sách nhu yếu phẩm, thực phẩm cần cho ngày hôm sau” - anh Vương cho hay.

Là những người trực diện tiếp xúc gần với công dân Việt Nam từ các nước về, anh em tại Trung tâm thường xuyên được nhắc nhở phải ứng xử đúng mực, vừa tuân thủ các quy định khi tiếp xúc cần đứng cách xa bao nhiêu là an toàn nhưng cũng không được có hành động kỳ thị hay quá mức để người dân khó chịu.

Thượng úy Hà Tiến Dũng - Trợ lý hậu cần Khung tiếp nhận thuộc Trung tâm cho hay, khác với nhiều nơi, tại Đà Nẵng, tình trạng người thân tiếp tế đồ ăn vào không nhiều vì các chiến sĩ giải thích rõ, với những đồ ăn bà con muốn đưa vào khu cách ly phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vì “ở trong khu cách ly mọi người đã ít vận động thì việc ăn uống phải cẩn thận mới bảo vệ được sức khoẻ”.

Thực hiện nhiệm vụ từ đợt đầu tiên đón công dân về nước, anh Dũng cho biết, trong ngày 17.3, anh em nhận tin có thể tranh thủ về thăm nhà.

Gần một tháng nay, anh Dũng cùng đồng đội đón hàng trăm lượt công dân về nước ở khu cách ly tập trung.

“Sáng hôm đó tiễn các công dân xong thì anh em dọn dẹp để tổng vệ sinh. Đến 5 giờ chiều, tôi về gần tới cổng nhà thì nhận lệnh phải quay lại để chuẩn bị đón đoàn công dân tiếp theo. Nhiều anh em thậm chí chưa kịp rời khỏi đơn vị nên gần như tất cả 28 người đang công tác tại đây đều chưa được về nhà gần 1 tháng nay.

Con gái 3 tuổi mỗi lần gọi là lại khóc hỏi sao ba chưa về. Có lần vợ chở con đến tận cổng trung tâm, gọi bố ra cho con nhìn mặt chút nhưng tôi cương quyết, nói hai mẹ con về đi. Xong nhiệm vụ bố về” – anh Dũng nói.

Đang trò chuyện, anh Dũng quay qua chỉ đạo anh em trong nhóm sắp xếp thức ăn, chuẩn bị vận chuyển vào khu vực cách ly.

 Gạt nỗi nhớ gia đình, các chiến sĩ luôn vui vẻ làm việc, phục vụ từng bữa cơm, canh từng giấc ngủ cho bà con.

“Động lực lớn nhất với anh em tại Trung tâm là từ khi tiếp đón công dân về nước đến nay, chỉ có người “than” cơm và thức ăn các anh chuẩn bị hơi nhiều. Chúng tôi cũng thường xuyên hỏi thăm vì sợ có bà con ở Châu Âu, Mỹ về sẽ không hợp khẩu vị thức ăn mình, nhưng may sao mọi người đều hài lòng với cách phục vụ của các chiến sĩ, người dân vui thì anh em cũng vui. Nhiệm vụ này còn dài lắm, mọi người cùng cố gắng” – anh Dũng tâm sự.

Còn với đại úy Lê Bá Vương, vốn công tác ở quê hương Bình Định, nhưng hơn một năm nay anh chuyển công tác về Đà Nẵng để tiện về với vợ con (đang sống ở Huế). Bình thường cứ hai, ba tuần anh lại tranh thủ về thăm vợ con, nhưng nay đã là tuần thứ 4, anh chỉ nói chuyện hai mẹ con qua chiếc điện thoại.

 Nhớ gia đình nhưng hàng trăm công dân đang cần mình nên những người lính vẫn phải hẹn "xong nhiệm vụ, bố về"

Con trai năm nay chuẩn bị lên lớp 1, mỗi lần gọi cho bố lại nói nhớ, khiến lòng người lính lại cồn cào. “Bình thường tôi cũng hay đi công tác, nhận nhiệm vụ xa nhà thời gian dài, gia đình cũng quen với việc này. Thế nhưng, nỗi nhớ và nỗi lo lần này lại có chút khác hơn khi dịch bệnh đang bùng phát” – anh Vương chia sẻ.

Khi hỏi về tâm tư của các chiến sĩ, cán bộ tại Trung tâm, anh Vương cười nói: "Ai mà chẳng nhớ nhà nhưng anh em không bao giờ nói ra, để giữ tinh thần làm việc. Nhiệm vụ này còn dài lắm. Hẹn con, xong nhiệm vụ, bố về”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn