MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phần cơm từ thiện được gửi tặng bệnh nhân tại xóm chạy thận ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Xót xa xóm chạy thận ở Đà Nẵng

Nguyễn Linh LDO | 24/08/2023 11:20

Phần đời còn lại của những bệnh nhân tại xóm chạy thận cạnh Bệnh viện Đà Nẵng gắn liền với máy đo huyết áp, chỉ cần chậm một giây là có thể chết bất cứ lúc nào.

Vật lộn với cái chết

Nằm bên cạnh Bệnh viện Đà Nẵng có một dãy trọ nhỏ hơn 5 phòng là nơi cư trú của 16 bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hầu hết là những bệnh nhân đến từ Quảng Nam. Vì không có điều kiện đi lại nên phải thuê trọ ở gần bệnh viện để thuận lợi cho việc cấp cứu.

Một tuần ba lần, những bệnh nhân này phải thường xuyên chạy thận ở bệnh viện, có người vào thứ 2, 4, 6, có người là 3, 5, 7. Hầu như lúc nào tại dãy trọ cũng có bệnh nhân mới chạy thận về.

Bà Võ Thị Hoa, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam nói: “Tối tối huyết áp giảm bất ngờ khiến chúng tôi tưởng mình như chết đi. Căn bệnh này là vậy, huyết áp lúc tăng, lúc giảm, rồi đôi lúc những cơn đau tim đến bất chợt cứ giày vò chúng tôi.”

Những giọt nước mắt lăn dài trên má mỗi khi kể về căn bệnh quái ác mà mình mắc phải khiến ai cũng không thể cầm lòng.

“Giữa lằn ranh của sự sinh tử, chỉ cần chậm một chút thì có thể mất mạng”, bà Nguyễn Thị Chạy nói.

Bà Nguyễn Thị Chạy là vợ của ông Dương Quang Sanh, quê ở huyện Duy Xuyên. Ông Dương Quang Sanh hơn 16 năm chạy thận ở Bệnh viện Đà Nẵng cũng là từng ấy năm bà Nguyễn Thị Chạy đi theo để chăm sóc chồng. Hai vợ chồng cùng đồng cam cộng khổ để vượt qua căn bệnh quái ác này.

Bà Nguyễn Thị Chạy kể, mới ngày hôm qua, một bệnh nhân 40 tuổi chạy thận ở phòng trọ bên kia bị tụt huyết áp lúc nửa đêm, mọi người đã gọi xe cấp cứu để đưa vào bệnh viện. Dù chỉ cách hơn 100m nhưng bệnh nhân 40 tuổi đã không qua khỏi mà mất ngay trên đường đến bệnh viện.

Xóm chạy thận ở cạnh Bệnh viện Đà Nẵng chật vật với mùa nắng. Ảnh: Nguyễn Linh

Nặng gánh chi phí tiền trọ

Thuê trọ ở trung tâm TP nên không có giá rẻ. Một phòng có giá từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, vì vậy những bệnh nhân chạy thận này phải chen chúc nhau trong căn phòng nhỏ để giảm chi phí.

Phòng của bà Võ Thị Hoa lúc trước có 3 người nên mỗi người góp 1 triệu đồng/tháng tiền thuê trọ, nhưng thời gian gần đây, có một người vừa mất nên giờ chỉ còn 2 người với căn phòng 3 triệu đồng/tháng.

Đối với những bệnh nhân như bà Võ Thị Hoa, số tiền 1,5 triệu đồng/tháng là quá lớn: “Chỉ cần mở mắt ra là đã mất mấy chục ngàn rồi”, bà Võ Thị Hoa nói.

Thỉnh thoảng, các mạnh thường quân thương tình người cho 100.000 đồng, 200.000 đồng là họ để dành lại, không dám ăn uống, tiết kiệm tiền mua thuốc và đóng tiền nhà trọ.

Mang căn bệnh quái ác trong người nên những bệnh nhân này không thể làm thêm bất cứ công việc nào để kiếm thêm thu nhập cả. Hằng ngày, những bữa cơm đều là cơm từ thiện, hôm là cháo, hôm là cơm… cho gì ăn nấy.

Bà Hà Thị Liên, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, tính đến nay đã 9 năm chạy thận ở Bệnh viện Đà Nẵng. Bà Liên được coi là người có năm chạy thận ít nhất ở xóm trọ này.

Chồng bà Hà Thị Liên bị bại liệt nằm một chỗ ở quê, con trai bà Hà Thị Liên năm nay 24 tuổi, hằng ngày chạy xe ôm công nghệ để nuôi ba và em gái nhỏ mới học lớp 10. Mọi chi phí điều trị ở bệnh viện, bà Hà Thị Liên đều tự mình gồng gánh nhưng nặng nhất vẫn là tiền trọ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Có những hôm thời tiết ở Đà Nẵng lên đến 41 độ khiến căn phòng 16m2 với 4 người ở khiến ai cũng ngộp thở. Tuy được bố trí điều hòa, máy lạnh nhưng không ai dám mở vì sợ tốn điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn