MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội). Ảnh: Hà Quyên

Xu hướng trữ đông trứng ở người trẻ

Hà Quyên LDO | 16/12/2023 07:06

Trữ lạnh noãn (còn gọi là trữ lạnh trứng hoặc trữ trứng) đang là phương pháp được nhiều phụ nữ quan tâm. Việc trữ đông trứng được xem là bảo hiểm sinh học cho khả năng sinh sản của phụ nữ trong tương lai.

Trào lưu đông lạnh trứng

Sau nhiều năm muộn đường tình duyên, chịu nhiều sức ép từ gia đình, chị Minh Hương (sinh năm 1986, ở Thanh Hóa) quyết định sang Úc để làm việc. Trước khi đi, chị tìm tới khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, để trữ đông trứng.

Chị tìm hiểu về độ tuổi của mình, càng nhiều tuổi, khả năng sinh con càng khó. Chị quyết định gửi trữ đông trứng, sau này, khi quay về, nếu có đối tác thì kết hôn và hỗ trợ sinh sản để có con. Nếu không, chị sẽ làm mẹ đơn thân. Giữa năm 2023, khi về nước, chị đã đến bệnh viện lấy trứng trữ đông cách đây 2 năm để thụ tinh trong ống nghiệm.

Cách đây một tháng, chị Lan Anh (sinh năm 1992, ở Hà Nội) cũng tìm tới đơn vị này vì lý do muốn trữ trứng. Sau một thời gian dài chưa có người yêu, lại tìm hiểu biết được phụ nữ càng cao tuổi càng ít trứng, thậm chí sinh con có nguy cơ dị tật cao, chị Lan Anh đã chủ động trữ trứng.

Không chỉ riêng hai trường hợp này, trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ có nhu cầu dự trữ trứng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.

Chia sẻ với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - BV Đại học Y Hà Nội - cho hay, ca đông lạnh trứng đầu tiên được thực hiện năm 1986, cho tới nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển cũng như có nhiều bệnh nhân và các trường hợp có nhu cầu thực hiện.

Riêng năm 2023, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, các bác sĩ đã thực hiện hơn 300 chu kỳ chọc hút trữ trứng cho bệnh nhân. Còn tại khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, đơn vị cũng đã thực hiện trữ trứng cho hơn 100 trường hợp.

PGS Hà thông tin, các trường hợp đến để trữ trứng thuộc 2 nhóm: Nhóm vì lý do y tế như muốn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư, chưa có tinh trùng để thụ tinh hoặc cần gom noãn tích lũy và nhóm vì các vấn đề xã hội. Trong đó, số lượng bệnh nhân đến vì các vấn đề xã hội như chưa muốn kết hôn, không có ý định kết hôn, người trẻ chủ động đến để trữ trứng, tăng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các trường hợp trước khi chuyển giới cũng tìm tới để trữ đông trứng.

"Xu hướng trữ trứng càng ngày càng tăng. Một là do xuất phát từ nguyên nhân y tế, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị ung thư, họ quan tâm hơn đến việc bảo tồn khả năng sinh con sau khi điều trị bệnh. Đồng thời, người bệnh ít trứng quá buộc phải gom lại mới đủ để làm thụ tinh. Hai là độ tuổi kết hôn hiện nay tăng, phụ nữ hiện đại có xu hướng kết hôn muộn, trong khi đó, khả năng sinh sản không trường tồn theo thời gian, sẽ suy giảm sau 35 tuổi" - PGS Hà cho hay.

Báo động tình trạng suy giảm buồng trứng

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du chia sẻ một tình trạng rất đáng báo động ở suy giảm buồng trứng sớm ở phụ nữ trẻ.

“Phần lớn trường hợp suy buồng trứng là không rõ nguyên nhân. Trong thực tế khám lâm sàng, chúng tôi thấy ở nhóm phụ nữ đến khám mà nằm trong độ tuổi sinh sản, nhóm trẻ tuổi bị suy buồng trứng rất nhiều, thường chiếm 20% tỉ lệ phụ nữ đến khám vô sinh. Trường hợp dưới 30 tuổi bị suy buồng trứng chúng tôi gặp tương đối nhiều. Trên 35 tuổi gặp tình trạng suy buồng trứng, giảm dự trữ trứng là chuyện tiến hóa tự nhiên. Song dưới 35 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi như vậy là tình trạng báo động” - thạc sĩ Du cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia, khác với trước đây, thay vì sau 35 tuổi, hiện 30 đã là độ tuổi báo động về khả năng sinh sản. Lý do nhiều trường hợp bị suy buồng trứng là ảnh hưởng của cuộc sống, do ô nhiễm môi trường, hóa chất, thức ăn, thuốc trừ sâu, áp lực công việc...

Về chi phí thực hiện trữ trứng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, thường khoảng 40-50 triệu đồng bao gồm chi phí thăm khám, xét nghiệm, chọc hút trứng… Để duy trì bảo quản đông lạnh trứng trong các cọng đông, chi phí hằng năm là 1,7 triệu đồng/cọng.

Về nghi ngại về chất lượng trứng được trữ đông, PGS Hà khẳng định, theo các nghiên cứu trên thế giới, tỉ lệ có thai sinh sống, tỉ lệ tạo phôi không có sự khác biệt giữa noãn trữ đông với noãn tươi. Đồng thời, với noãn đông lạnh, về tỉ lệ trẻ đẻ ra, tâm sinh lý, cân nặng, tỉ lệ dị tật bẩm sinh, cũng như sự phát triển sau này không có sự khác biệt.

“Khác với trữ tinh trùng, trữ đông trứng không phải là kỹ thuật đơn giản, quy trình thực hiện y như thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ thiếu quá trình tạo phôi phía sau mà thôi. Do đó, chị em không nên chạy theo xu thế mà cần suy nghĩ cẩn trọng, chỉ nên thực hiện khi thực sự có nhu cầu và phù hợp” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội khuyến cáo.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn