MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khoa học máy tính là ngành học hot, đòi hỏi “chất xám” cao đi kèm với mức lương hậu hĩnh. Ảnh: Bích Hà

Xu hướng trường đại học khối kinh tế mở thêm ngành Công nghệ

Trà My LDO | 28/02/2024 09:05

Vốn là những trường đại học top đầu có thế mạnh đào tạo về kinh tế, xã hội nhưng mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường lại “lấn sân” mở thêm ngành mới về Công nghệ, Khoa học máy tính. Điều này nhận được sự quan tâm của dư luận về chất lượng đào tạo cũng như mục tiêu xây dựng các ngành học mới.

Các trường kinh tế mở ngành mới

Năm nay, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) bắt đầu đào tạo những chuyên ngành mới là: Công nghệ nghệ thuật (ArtTech) và Điều khiển thông minh và tự động hóa.

Trước đó, nhà trường liên tiếp mở các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ logistics. Hiện tại, Đại học Kinh tế TPHCM có 56 chương trình đào tạo đại học thuộc 11 lĩnh vực, trải dài từ kinh doanh, kinh tế, quản lý, nhân văn đến công nghệ, thiết kế ứng dụng.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng có ngành Fintech (công nghệ tài chính) với khối kiến thức liên quan đến máy học và trí tuệ nhân tạo trong tài chính, công nghệ blockchain, các gói phần mềm ứng dụng trong tài chính…

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cũng dự kiến, mở ngành Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.

Trường Đại học Ngoại Thương cũng đã công bố dự kiến mở ngành Khoa học máy tính - chương trình đào tạo Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, tuyển sinh bắt đầu từ năm nay.

Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu.

Còn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cũng thông báo mở thêm lĩnh vực công nghệ với việc dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm.

Không thể để "sớm nở tối tàn"

Thời điểm này, em Trịnh Văn Dũng - học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú (Quảng Ninh) đang tìm hiểu thông tin về các trường đào tạo ngành Khoa học máy tính. Dũng cho biết thêm, hiện tại các trường trên cả nước đào tạo về ngành học này không nhiều. Nhận được thông báo từ Trường Đại học Ngoại Thương khi nhà trường cho biết, sẽ mở thêm ngành Khoa học thông tin, Dũng rất vui nhưng còn nhiều lo lắng.

"Khi có trường mở ngành mình yêu thích em thấy rất vui vì cơ hội được học đúng ngành mình muốn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, điều em hơi lo ngại nằm ở chất lượng đào tạo của ngành học mới. Theo em được biết, đây là năm đầu tiên Trường Đại học Ngoại thương mở ngành Khoa học công nghệ, em cũng băn khoăn rằng lộ trình học tập và chương trình đào tạo có đảm bảo không. Bởi lẽ, Trường Đại học Ngoại thương luôn được biết đến là trường top đầu có thế mạnh đào tạo chuyên môn kinh tế" - Dũng bộc bạch.

Trước nhiều ý kiến về việc mở ngành học mới, ngày 27.2, trao đổi với Báo Lao Động, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương - cho biết, thực hiện chiến lược phát triển ngành đào tạo theo chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương định hướng trở thành đại học đa lĩnh vực theo hướng đổi mới sáng tạo.

"Nhà trường đã có một kế hoạch, lộ trình phát triển các ngành nghề đào tạo, không phải chuyện một sớm một chiều. Việc mở ngành học mới cũng không để tình trạng sớm nở tối tàn được" - thầy Tuấn thẳng thắn nói.

Cũng theo thầy Tuấn, lĩnh vực Công nghệ - kỹ thuật là một lĩnh vực mới mà nhà trường xác định sẽ dành đầu tư thích đáng để phát triển, tạo nên một trụ cột đào tạo mới mà trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị mở ngành, thầy Tuấn nói thêm: "Trường đã xây kế hoạch rất chi tiết cho việc tổ chức đào tạo, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng theo các quy định về mở ngành, về chuẩn chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặt khác, nhà trường đã có chủ trương về phát triển các ngành công nghệ - kỹ thuật từ nhiều năm trước đây, nên đã bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đào tạo ngành Khoa học máy tính từ năm 2021, bao gồm việc tuyển dụng và đào tạo giảng viên, chuẩn bị cơ sở vật chất và các nguồn lực cho giảng dạy, xây dựng hệ sinh thái cho đào tạo và nghiên cứu trong ngành này".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn