MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả 7 công trình xây không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức - cùng người nhà đã được tháo dỡ. Ảnh: Minh Quân

Xử lý nghiêm cán bộ bao che, dung túng để lập lại trật tự xây dựng

minh quân LDO | 16/12/2019 11:04
Hành vi tiếp tay, bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Quyết định số 30/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh vừa được ban hành. Đây là biện pháp mạnh nhằm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương vi phạm

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, trong 11 tháng đầu năm 2019 có hơn 2.350 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng bị phát hiện. Trong đó phần lớn tập trung tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức - khu vực đô thị hóa nhanh. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến những sai phạm hiện nay không chỉ có người dân và doanh nghiệp mà có cả một số cá nhân, cán bộ lãnh đạo nhà nước - được xem là người thực thi nhiệm vụ - nhưng lại gây ra sai phạm.

Minh chứng rõ nhất cho việc cán bộ vi phạm trật tự xây dựng là vụ xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức cùng người nhà. Bản thân ông Lê Hữu Thành và người nhà xây dựng 7 công trình không phép là nhà xưởng có kết cấu cột sắt, kèo sắt, mái tôn trên khu đất được quy hoạch là đất ga dự trữ tại hẻm 419 (đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) trong thời gian từ năm 2012-2018. Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quý (người thân của ông Lê Hữu Thành) - nguyên là Chánh Thanh tra quận Thủ Đức đã thiếu gương mẫu để gia đình có hành vi vi phạm xây dựng không phép.

Từ tháng 5.2019, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã có kế hoạch thực hiện cưỡng chế nhưng đến tháng 10.2019 những công trình này vẫn tồn tại gây bức xúc trong dư luận. Chỉ khi Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân xuống tận nơi kiểm tra, yêu cầu xử lý thì 7 công trình không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành mới bị xóa bỏ. Bản thân ông Lê Hữu Thành đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức.

Liên quan đến các sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Ban Nội chính Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho biết có 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc trong những năm gần đây. Đối với địa phương, tháng 8.2019, hàng chục cán bộ huyện Bình Chánh bị kỷ luật, hoặc cách hết chức vụ trong Đảng, do để xảy ra sai phạm trong quản lý đất và trật tự xây dựng. Trước đó, tháng 3.2019, tại quận Thủ Đức đã có hàng chục cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, kể cả phó chủ tịch UBND quận cũng bị kỷ luật do có sai phạm về quản lý, buông lỏng xử lý vi phạm nhà xây dựng không phép.

Cán bộ không gương mẫu sẽ không lập lại được trật tự xây dựng

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 25.7, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ban hành Chỉ thị 23 - yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm, nếu không thì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư các quận huyện sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, còn chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố. Sau 5 tháng triển khai, số vụ vi phạm về trật tự xây dựng được kéo giảm, còn 804 trường hợp (giảm hơn 40%) trong khi 6 tháng đầu năm là 1.550 trường hợp.

Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị 23 (ngày 12.12), Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nói, bước đầu thực hiện Chỉ thị 23 có thể rút ra rằng cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Nếu cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ không có điều kiện để lập lại trật tự xây dựng. Trước đó, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh, nhắc lại câu chuyện về xây dựng trái phép ở Thủ Đức, Bình Chánh, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết có một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhưng lại làm trái quy định pháp luật. 

Hành vi tiếp tay, bao che có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngày 2.12 vừa qua, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo quyết định này, tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra, giám sát ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND quận huyện, UBND xã phường, thị trấn. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận huyện. Hành vi tiếp tay, bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn