MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhận định của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình, việc người dân vứt lợn chết vừa qua có thể gây ra các ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Công Sáng

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu dịch tả lợn kéo dài

CÔNG SÁNG LDO | 26/07/2024 07:15

Tỉnh Quảng Bình sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch tả lợn châu Phi bùng phát, kéo dài.

Ngày 26.7, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp cho biết, đang tích cực hướng dẫn các địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

“Chúng tôi đang kiểm tra thường xuyên các điểm đã xảy ra hoặc nguy cơ nhằm khoanh vùng, khống chế dịch trong phạm vi hẹp nhất” - ông Hiệp nói.

Ông Hiệp thông tin thêm, sở đang tiếp tục rà soát, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch tả lợn châu Phi, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đại diện Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình nhận định, việc người dân vứt lợn chết giữa đồng thời gian qua trên địa bàn có thể gây ra các ổ dịch lớn. Sau khi nhận phản ánh từ phương tiện thông tin đại chúng, địa phương đã nhanh chóng dọn dẹp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cùng với đó phòng việc dịch có thể xảy ra và bùng phát.

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6 xã thuộc 4 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và TP Đồng Hới.

Việc dịch bùng phát khiến địa phương buộc tiêu hủy 163 con lợn với tổng trọng lượng 11.685kg. Hiện nay, còn 3 xã thuộc 3 huyện, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày...

Nhằm chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bệnh bùng phát, kéo dài trên địa bàn quản lý.

Cùng với đó, các địa phương cần huy động nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định; thực hiện hỗ trợ hoặc đề xuất kinh phí hỗ trợ giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.

Điều quan trọng, huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực trong và xung quanh chuồng nuôi; khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn