MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng mưa lớn đổ về nhanh đã gây ngập úng nặng tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phan Tuấn

Xu thế biến đổi về tổng lượng mưa tại Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng

Mai Hương LDO | 22/09/2023 16:48

Lâm Đồng là địa phương có đặc điểm nền địa chất tính liên kết kém. Khi có mưa lớn kéo dài, lượng nước trong đất bão hòa, dẫn đến sạt lở tại nhiều nơi.

Xu thế biến đổi lượng mưa khá phức tạp

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra tại các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn như trên quốc lộ 20, 27, 28, đường 723…

Trong các tháng đầu năm 2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài (riêng từ ngày 29 - 30.7.2023, lượng mưa tại đèo Bảo Lộc đạt 196mm; một số địa điểm khác tại huyện Đạ Huoai, TP Bảo Lộc đạt từ 100mm đến 190mm...), làm nền đất yếu, gây ra một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng.

Trong đó, vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hiện trạng đất, chính là vụ việc xảy ra đêm 28, rạng sáng 29.6.2023 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP Đà Lạt. Một bờ ta luy bị sập khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương, ảnh hưởng nhiều ngôi nhà của người dân.

Quốc lộ 55 ở Lâm Đồng bị ngập úng do mưa lũ. Ảnh: Người dân cung cấp

Ngày 30.7.2023, một vụ sạt lở taluy nghiêm trọng, gây thiệt hại vô cùng lớn về người xảy ra tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai), vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát Giao thông Mađagui, 4 người thiệt mạng (gồm 3 chiến sĩ công an và 1 người dân).

Theo số liệu từ Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong những năm gần đây, thời tiết và khí hậu có chiều hướng diễn biến phức tạp. Phân tích, đánh giá chuỗi số liệu mưa năm từ năm 1980 đến nay (tại một số trạm khí tượng Đà Lạt, Liên Khương, Bảo Lộc) cho thấy, xu thế biến đổi chung về tổng lượng mưa trên khu vực tỉnh Lâm Đồng (bao gồm TP Đà Lạt) có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp.

Nâng cao khả năng chống chịu

Nhằm tìm ra giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ngày 22.9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo "Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng".

Theo tham luận của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, ngập nước đô thị dưới tác động của nhiều nguyên nhân, đặc biệt tác động bất thường của biến đổi khí hậu, đang là vấn đề nan giải.

Hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng vào ngày 22.9. Ảnh: Nguyễn Dũng

Giải quyết ngập lụt cần có phải có những giải pháp đồng bộ có lộ trình đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, của các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc của người dân.

Giảm thiểu và tiến đến kiểm soát, cũng như nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu và ngập lụt hiện nay, phải là mục tiêu hành động của chính quyền đô thị các cấp trước mắt và lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đưa một số giải pháp nhằm giảm thiểu ngập lụt đô thị như: Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước...

Bên cạnh đó, ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn