MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu nữ Hà Nhì trong ngày Tết Cô Nhẹ Chà, ở Ngã ba biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Lãng Quân.

Xuân biên tái - kỳ thú và lãng mạn đến bất ngờ!

Lãng Quân LDO | 23/01/2020 06:56
Nhiều người đã viết, đã nói và đã hành động dứt khoát để nói về việc họ sợ tết, ngại tết, muốn một sắc thái khác cho cái Tết đôi khi quá câu nệ hiện nay. Có người bỏ đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết. Có người nói không với thừa mứa đồ ăn thức uống và các cuộc di chuyển chúc tụng mệt nhoài. Trong cơn tranh luận đó, bất giác tôi ngẫm nhiều về Tết miền biên tái, tết biên thùy, biên ải.

Ở địa đầu Hà Giang, giữa đá tai mèo xám và cái lạnh se thắt trong mùa cuối đông chớm xuân biên giới, trước khi người xuôi đón Tết cổ truyền, thì người dân tộc Pu Péo mở một bữa tiệc núi. Tết của họ, còn là Tết Cúng Rừng, với một con dê đực đen nhánh vẫn sống nguyên, vẫn kêu be be, râu dê dài và đen nhánh.

Họ giết con vật hiến tế thần rừng, lạy bốn phương tám hướng dưới một gốc cổ thụ. Bốn bề là bạt ngàn rừng già tối om. Họ tổ chức lễ Cúng rừng, cầu cho rừng đừng cho mưa bão xuống, đừng gieo nắng hạn về, đừng lũ quét lũ bùn lũ ống. Có rừng, bà con được rừng bảo bọc. Và rừng của người Pu Péo được giữ bằng tâm linh với những đại thụ khổng lồ đứng như so đũa, khiến ngành kiểm lâm sở tại phải đến học tập mô hình!

Sơn nữ Hà Nhì đi cắt cỏ tranh hay các bông lau tinh khiết về đan thành tổ tròn treo trước hiên nhà để dụ chim én “cõng mùa xuân về“. Hoặc họ làm những lẵng hoa dại hồn nhiên đến nao lòng như thế này để cầu may. Ảnh: Lãng Quân. 

Còn người Hà Nhì ở ngã ba biên giới, thuộc địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nơi giáp ranh cùng lúc hai nước Trung Quốc và Lào, thì bà con lại đón tết Cô Nhẹ Chà rất mơ mộng. Các thiếu nữ đi lên rừng lấy cỏ tranh về, trèo lên hiên nhà tết các tổ tròn dụ chim én cõng mùa xuân mơ mộng về bản làng.

Đặc biệt, bà con hồn nhiên treo vũ khí, đạn dược (phế liệu), cung nỏ, dao kiếm lên một khung cổng bản làm bằng cây gạo với nhiều gai nhọn hoắt, mục đích là để hù dọa, phô trương thanh thế, ngăn chặn và đẩy đuổi ma tà. Có khi, họ đẽo cả các sinh thực khí hồn nhiên, nõ nường phô ra với các “ông bà” trần truồng. Có khi đắp bằng đất bùn, có khi đẽo bằng gỗ, có khi làm bằng mấy cọng cỏ tranh lồm xồm. Một cuộc sống hồn nhiên đến ngỡ ngàng. Các ý nghĩa nhân sinh thú vị.

Phom cổng “Lễ cấm bản” ngày Tết ở Mường Tè, Mường Nhé, với nhiều cảnh phồn thực cầu nhân khang vật thịnh; cùng vũ khí đạn dược (đẽo bằng gỗ) để dọa ma tà. Tết nơi này, cho bạn cảm giác mình đang lạc vào một thế giới tâm linh huyền ảo khác lạ! Ảnh: Lãng Quân.

Đôi khi, giữa tiết xuân mơ màng, một cảnh mẹ cho con bú, chị em chơi đùa giữa mênh mông cỏ rả núi cao như thế này, dễ khiến người ta thổn thức.

Nếu ở bản Hà Nhì tỉnh Điện Biên, bạn nên có một chuyến đi bộ nở phổi giữa mây mù nữa để có mặt ở cột mốc ba cạnh. Còn gọi là Mốc Số Không. Mốc hình chóp nhọn với 3 cạnh ngoảnh mặt về ba quốc gia Việt Nam – Trung Quốc  và Lào. Cảm giác khi đến nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” rất thú vị và ý nghĩa.

Nếu ở bản Mông vùng Si Ma Cai, thì nên đến với các nếp nhà xa xôi trên thượng nguồn sông Chảy. Váy áo sặc sỡ, mắt bé thơ trong veo nhìn khách lạ, thời gian như ngừng trôi trước hình ảnh mẹ con người đàn bà Mông rình rang xuống chợ…

Ngày xuân mơ mộng ở thượng nguồn sông Chảy, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Lãng Quân. 

Tết vùng cao, thiên nhiên trong lành, cuộc sống nguyên sơ, tình người đôn hậu. Nó như một khuông nhạc êm dịu và trữ tình trong thế giới ký ức Tết của bạn, nó cũng truyền cảm hứng cho bạn với nhiều ngẫm ngợi về thời gian đời người, lối ứng xử với thiên nhiên và giá trị quý báu của bản sắc văn hóa tộc người.

Ngày xuân ở Điện Biên, phụ nữ Mông đi cấy, tranh thủ nằm giữa ruộng cho con bú. Ảnh: Lãng Quân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn