MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ nơi vùng cao Mù Cang Chải. Ảnh: Văn Đức.

Xuân sớm với hy vọng mới nơi xã nghèo vùng cao

Văn Đức LDO | 30/01/2022 07:30

Yên Bái - Xã Khao Mang là một xã vùng cao khó khăn của huyện nghèo thuộc top đầu cả nước, nhưng những năm gần đây, xã đã có những bước đổi mới về diện mạo, cuộc sống đồng bào các dân tộc nơi đây đang thay da, đổi thịt.

Khao Mang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, xã cách trung tâm huyện lỵ 13km gồm có 10 bản nằm ở phía Tây huyện. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 6.000 ha, nhưng có tới gần 5.000ha, toàn xã đồng bào dân tộc Mông sinh sống chiếm tới 90%, trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 3% còn lại là đồng bào dân tộc Tày và Thái.

Với địa hình đồi núi bị chia cắt, thời tiết diễn biến bất thường nên khu vực này thường xảy ra các trận lũ lớn, đặc biệt là lũ ống, lũ quét. Thêm nữa, diện tích đất canh tác ít do đó vấn đề về lương thực luôn cấp thiết đối với xã, hầu như năm nào của có gia đình thiếu đói phải cứu trợ, nhân dân trên địa bàn xã đa số là đồng bào dân tộc thiểu số do đó trình độ nhận thức còn chưa cao, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thấp kém nhất là hệ thống giao thông và công trình thủy lợi…

Cũng bởi xuất phát điểm thấp, tiềm năng phát triển kinh tế gần như không có, nên khi Yên Bái và huyện Mù Cang Chải triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nông thôn mới quốc gia Khao Mang không được chọn. Song, với quyết tâm thay đổi diện mạo nông thôn, thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, Khao Mang đã sớm bắt tay và lập kế hoạch xây dựng đường đi cho riêng mình.

Trao đổi với PV, ông Sùng A Dinh – Chủ tịch xã Khao Mang cho biết: “Cùng với việc tìm cho xã những chương trình hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo từ Trung ương, từ tỉnh, huyện, chính quyền cùng nhân dân trong xã cùng đồng thuận, chung sức thay đổi cách nghĩ, cách làm để xoá đói, giảm nghèo”.

Nhờ thay đổi tập tục, lối canh tác, hiện Khao Mang đang trên đà phát triển mạnh.

Ông Dinh nhớ lại, xã đã đến từng nhà, thôn để họp dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp thu ý kiến, lựa theo điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ, từng thôn, rồi vận động cho bà con nhân dân hiểu, tin và đồng tình góp sức cùng chính quyền tạo dựng cuộc sống mới.

“Địa phương đã vận động bà con cùng tham gia mở đường, làm đường bêtông, có đường thì mọi việc vận chuyển, giao thương mới có thể phát triển", ông Dinh tâm sự.

Tiếp đó, vận động và hướng dẫn bà con tham gia sản xuất, thâm canh, tăng vụ, nâng cao đời sống, áp dụng các mô hình hay, thiết thự, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh…

Từ những quyết sách phù hợp với người dân, được người dân tin tưởng và làm theo, đến nay, tuy mới hoàn thành được 12/19 tiêu chí, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn 33%... Nhưng, với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, hiện Khao Mang đang có tổng lượng lương thực có hạt cao hơn mức bình quân của huyện.

Trao đổi với PV, ông Giàng A Di (ở bản Khao Mang) cho biết: “Trước đây, bản chúng tôi nghèo lắm, dân bản quá khó khăn, không có giống lúa, không có phân bón, không được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nên các gia đình trong bản nghèo đói, không no cái bụng, ấm cái thân. Nhưng giờ dân bản có cái ăn, cái mặc, nhà nước phát cho dân giống lúa, phân bón, lại còn mở lớp tập huấn hướng dẫn chăn nuôi kỹ thuật, đến nay chuyển đổi giống địa phương nên nhà nhà có cơm ăn, con cái được biết đến cái chữ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn