MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố sụt có đường kính lớn, sâu khoảng 12m. Ảnh: Sở KHCN Quảng Bình cung cấp

Xuất hiện hố sụt rộng hơn 4m, sâu 12m sau nhiều ngày mưa lớn

LÊ PHI LONG LDO | 27/10/2023 22:17

QUẢNG BÌNH - Sau nhiều ngày mưa to, trong khu vực nhà dân ở huyện Lệ Thủy bỗng xuất hiện 1 hố sụt, đường kính miệng hố rộng 4,2m; sâu khoảng 12m; nước trong hố sụt không đục, hơi trong xanh.

Ngày 27.10, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá nguyên nhân sau khi có thông tin về việc tại nhà một hộ dân tại xã Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) xuất hiện một hố sụt lún khá sâu, nguy hiểm.

Theo đó, đoàn khảo sát gồm đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, chuyên gia địa chất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy...

Sự việc xảy ra tại nhà ông Hồ Bình Hiền (thuộc bản Km14, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thuỷ).

Trước đó, sau nhiều ngày mưa to, trong khu vực nhà ông Hiền bỗng nhiên xuất hiện 1 hố sụt, tọa độ hố là 1900546 Vĩ độ Bắc (N), 565630 Kinh độ Đông (E); cách móng nhà bếp ông Hiền 3m về phía Đông Bắc, cách tỉnh lộ 10 khoảng 100m về phía Tây Bắc. Đường kính miệng hố rộng 4,2m, sâu khoảng 12m; nước trong hố sụt không đục, hơi trong xanh.

Sau khi xuất hiện hiện tượng trên, chính quyền địa phương đã khoanh vùng cảnh báo nguy hiểm.

Chính quyền địa phương khoang vùng, cảnh báo người dân sau khi xuất hiện hố sụt. Ảnh: Sở KHCN Quảng Bình cung cấp

Sau khi kiểm tra thực địa, theo nhận định của đoàn khảo sát, khu vực nhà ông Hồ Bình Hiền có tầng phủ chủ yếu là đất sét và sét pha với bề dày khoảng từ 7-20m, mặt đá gốc (đá vôi) ở độ sâu không đồng đều từ 7-20m, trên nền cấu trúc địa chất là hệ Devon (D) và hệ tầng Cô bai (D23cb), bao gồm đá vôi và đá vôi xen Dolomit.

Nền đất khu dân cư đang ở là đất sườn tích, kèm theo một ít là tàn tích, được thành tạo trên nền đá vôi ở phía dưới. Nền đá vôi phía dưới hố sụt này bị quá trình karst hóa tạo thành các hố, hang, hốc rỗng… Khi có mưa lớn tạo dòng chảy lớn trong các hang, hốc, gây sụt lún tầng đất phía trên xuống.

Từ kết quả trên, đoàn khảo sát kiến nghị dùng cát, sạn lấp đầy hố sụt, để hố cát sạn tự lắng đọng tự nhiên trong một thời gian. Khi cát sạn tụt xuống thì tiếp tục lấp đầy… Đến một thời gian ổn định, khi cát sạn không tụt xuống nữa thì hoàn thành và hoàn thiện lại công trình.

Đồng thời, theo dõi quá trình sụt lún, nếu giải pháp nói trên không tạo ra sự ổn định bề mặt mà vẫn tiếp tục sụt lún thì đề nghị báo cáo cơ quan có liên quan để nghiên cứu giải pháp tiếp theo.

Trước đó, như báo Lao Động thông tin, Sở KHCN tỉnh Quảng Bình vừa tiến hành khảo sát và xác định nguyên nhân xuất hiện 2 hố sụt lún xảy ra ở khu vực nhà dân tại thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa). Đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng, vì đây là hiện tượng xảy ra khá phổ biến của tự nhiên; thường xuyên theo dõi, khi có hiện tượng khác lạ xảy ra, báo cáo các cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn