MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nuôi lợn tỉnh Cà Mau đỏ mắt tìm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi vì cả tỉnh không nơi nào bán. Ảnh: Nhật Hồ

Xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi, người dân đỏ mắt tìm vaccine

NHẬT HỒ LDO | 22/02/2024 08:55

Cà Mau – Cà Mau đã xuất hiện 16 ổ dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh này đã tiến hành tiêu hủy trên 27 tấn lợn bị nhiễm bệnh. Đáng chú ý cho tới ngày 22.2 vẫn còn 10 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Trong khi đó, người nuôi lợn tại Cà Mau tìm đỏ mắt không có vaccine.

Người nuôi lợn khổ vì cả tỉnh không ai bán vaccine

Anh Trần Văn Tâm, một hộ nuôi lợn tại thành phố Cà Mau, cho biết: "Giá mỗi liều vaccine khoảng 35 ngàn đồng, giá này chưa bằng 1 kg lợn hơi, người nuôi sẵn sàng mua. Nhưng cái chính là mua ở đâu, từ Cà Mau phải chạy lên Bạc Liêu, Sóc Trăng để mua mấy liều thì quá bất tiện. Vì vậy, gia đình tôi vẫn chưa tiêm phòng vaccine cho đàn lợn của mình; cũng vì thế mà nỗi lo dịch bệnh luôn rình rập".

Cà Mau truyên truyền vận động người dân thường xuyên chăm sóc đàn lợn trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát. Ảnh: Nhật Hồ

Ông P.V.H, một chủ cửa hàng kinh doanh mua bán thuốc thú y - thuỷ sản, tại Phường 2, TP Cà Mau, cho biết, mỗi ngày có hàng chục khách hàng và người chăn nuôi đến tìm mua vaccine phòng tả lợn châu Phi, nhưng cửa hàng không có để bán. Ðây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh như hiện nay.

Báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 xã và thị trấn của 5 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu huỷ là 472 con, trọng lượng 27.842 kg; hiện nay còn 10 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhận định: Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, virus dịch tả lợn châu Phi là virus độc lực cao, có thể tồn tại trong môi trường thời gian dài, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lan rộng trong thời gian tới là rất cao (do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, điều kiện chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh). Ðặc biệt, khoảng 60% sản lượng thịt gia súc, gia cầm nhập tỉnh nhưng công tác vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm thời gian qua chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Tỉnh Cà Mau đã tiến hành tiêu hủy hơn 27 tấn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Nhật Hồ

Sau hơn 100 năm xuất hiện, hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc đặc trị, do vậy tiêm phòng vaccine là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, hiện nay, trên thị trường có 2 loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành thương mại trên phạm vi cả nước.

Theo bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau chưa có doanh nghiệp nào đăng ký đặt mua vaccine cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh. Một mặt do giá còn cao, vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO trên 35 ngàn đồng/liều/con; còn vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam giá trên 60 ngàn đồng/liều/con, nhưng chỉ tiêm phòng được cho đàn lợn thịt, còn lợn nái và lợn đực giống chưa tiêm phòng được. Vì vậy, người chăn nuôi còn e dè, chưa tin tưởng thật sự vào tính hiệu quả.

Để phòng bệnh, ngành nông nghiệp Cà Mau đã có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh xuất kinh phí phòng, chống dịch bệnh đặt mua vaccine tiêm cho đàn lợn trong vùng dịch.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Văn bản số 4870/ BNN-TY đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Ðảng, Nhà nước, quy định của Luật Thú y; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và xem xét, quyết định việc sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi.

Với loại bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, hiện chưa có thuốc đặc trị, thì vaccine là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn