MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ trạm Y tế xã Đồn Đạc thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng. Ảnh: Đoàn Hưng

Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng chủng EV71 tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh

Đoàn Hưng LDO | 20/03/2023 11:42

Quảng Ninh – Theo CDC Quảng Ninh, tính đến ngày 19.3, địa phương đã ghi nhận 19 ca tay chân miệng. Riêng xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã ghi nhận 10 ca, 2 ca dương tính với virus EV71 - tác nhân đã từng gây ra mùa dịch tay chân miệng năm 2011 khiến hơn 100 trẻ tử vong.

Ghi nhận của Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ, từ ngày 2.3 đến ngày 19.3, xuất hiện các chùm ca bệnh tay chân miệng tại thôn Nà Bắp, thôn Làng Cổng và thôn Nam Kim xã Đồn Đạc. Tất cả các trẻ bị bệnh trên đều không đi ra khỏi địa bàn huyện trong vòng 15 ngày trước ngày khởi phát (thời gian ủ bệnh tay chân miệng thông thường từ 3 - 7 ngày).

Mặc dù là một bệnh phổ biến, triệu chứng nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng. Các trường hợp biến chứng nặng thường do virus EV71.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thắng – Trạm Trưởng trạm Y tế Đồn Đạc - cho biết, tất cả các ca bệnh đều có biểu hiện lâm sàng mức độ nhẹ (độ 1), có trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, có trẻ không có biểu hiện sốt, chỉ nổi mụn nước tại lòng bàn chân, bàn tay. Trẻ không phải nhập viện, chỉ cách ly điều trị ngoại trú tại nhà theo hướng dẫn của Trạm y tế tránh lây lan ra cộng đồng. Đến nay đã có 6 ca khỏi hoàn toàn, còn 4 ca bệnh ổn định và đỡ hơn, không có ca nào diễn biến nặng.

Hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng phụ huynh học sinh và học sinh. Ảnh: Đoàn Hưng

Chị T.T.H - phụ huynh một bệnh nhi, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh - cho biết: “Cháu mới có 17 tháng tuổi, ban đầu cũng nghĩ cháu bị ghẻ, viêm da dị ứng. Nhưng theo dõi  thêm thấy con sốt, quấy khóc, hay giật mình. Lo lắng nên gia đình đưa xuống trạm y tế xã. Kết quả cháu bị tay chân miệng. Bác sĩ phát thuốc, điều trị tại nhà. Gia đình cũng vệ sinh nhà cửa nhất là các đồ chơi, nền nhà, tay nắm cửa. Hiện tình hình của con đã đỡ và ổn định hơn”.

Đường lây truyền bệnh tay chân miệng chủ yếu từ việc tham gia hoạt động cộng đồng như đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người thông qua đường tiêu hóa và hô hấp. Dùng chung bát đũa, đồ chơi, nhà vệ sinh hoặc do tiếp xúc với dịch tiết từ các phỏng nước. Thời gian ủ bệnh  là khoảng thời gian bệnh có khả năng lây lan mạnh.

Trường mầm non xã Đồn Đạc vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập. Ảnh: Đoàn Hưng

Bác sĩ CK1 Đoàn Ngọc Thanh  - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ - thông tin: “Ngay khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ đã báo cáo và phối hợp với CDC Quảng Ninh tổ chức giám sát ca bệnh theo quy định. Lấy mẫu gửi CDC xét nghiệm, kết quả có 2 ca dương tính với virus EV71. EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi.”

"Trạm y tế xã đã phối hợp với các nhà trường, phụ huynh học sinh dọn vệ sinh trường lớp học như; đồ dùng học tập, đồ chơi, sàn nhà, nhà vệ sinh và tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cốc uống nước, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh" – bác sĩ Thanh cho biết thêm.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm virus cấp tính thường gặp vào tháng 3 đến 5 và tháng 9, 10, dễ bùng thành dịch và hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh biểu hiện triệu chứng phổ biến là sốt, nổi các mụn nước gây đau, khó nuốt, bỏ ăn. Tuy nhiên, đối với tay chân miệng gây ra do EV71, thường có xu hướng lây lan rất nhanh và diễn biến nặng ở trẻ có bệnh nền, đề kháng kém với các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn