MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại một doanh nghiệp dệt may trong nước. Ảnh: Lan Nhi

Xuất khẩu dệt may hướng đến mục tiêu 48 tỉ USD

LAN NHI LDO | 10/05/2022 07:12

Doanh nghiệp dệt may trong nước đang rất phấn khởi khi đơn hàng dần được lấp đầy. Theo dự báo của các chuyên gia, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đang có xu hướng tăng cao, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 48 tỉ USD vào cuối năm và tăng gần 6 tỉ USD so mục tiêu đề ra. 

Nhanh chóng vực dậy 

Bà Phạm Thị Phương Hoa - Tổng Giám đốc Công ty may Hưng Yên (Hugaco) cho biết, năm 2022, Hugaco phấn đấu đạt doanh thu khoảng 750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỉ đồng, thu nhập bình quân hằng tháng hơn 10 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, do những diễn biến khó lường của thị trường, đặc biệt là tình hình địa chính trị của các nước trên thế giới phức tạp đã khiến nguồn hàng những tháng cuối năm được dự báo sẽ không dồi dào như các năm trước. Muốn đạt được mục tiêu đề ra, doanh nghiệp cần phải tiếp tục đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Với lượng đơn hàng tương đối dồi dào, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động, ngoài những đơn hàng đáp ứng mùa vụ, hiện các mặt hàng truyền thống như veston, áo sơ-mi của Tổng Công ty May 10 cũng đã tăng trở lại và có những đơn hàng đã ký đến hết năm. Ðể đạt tổng doanh thu 3.800 tỉ đồng đề ra, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2022, Công ty May Ðáp Cầu cũng phấn đấu đạt doanh thu 750 tỉ đồng, lợi nhuận 22,5 tỉ đồng, thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, Tổng Công ty sẽ tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng suất thông qua việc đầu tư, nâng cấp thiết bị hiện đại, cũng như đầu tư mới nhà xưởng và nhà máy mới tại Bắc Giang với từ 1.500 đến 2.000 lao động.

Ðồng thời, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý điều hành, làm tốt công tác kế hoạch, đánh giá thị trường, khách hàng, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời các yêu cầu sản xuất.

Hướng tới phát triển bền vững

Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 đạt hơn 10,6 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng, với kịch bản tích cực nhất, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42 - 43,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, muốn tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng vừa đề xuất, áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này. 

Trong đó, yêu cầu hàng dệt may Việt Nam khi tiến vào thị trường Châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Không chỉ Châu Âu, xu hướng tiêu dùng bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Cụ thể, mỗi nước sẽ có chính sách về bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm dệt may khác nhau nhưng đều hướng tới tính an toàn, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước, hạn chế hóa chất, ảnh hưởng tới môi trường. 

Do vậy, ngành dệt may Việt Nam phải sớm tiên liệu, thay đổi kịp thời để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại các thị trường khó tính. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng đạt chuẩn mực theo yêu cầu của nhãn hàng.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng cao, cùng với lượng đơn hàng dồi dào trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế. 

Ngành dệt may Việt Nam không hướng đến cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ðồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đang mong Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035" để ngành có thể tự chủ nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng công nghệ 4.0, hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn