MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Gạc Ma trưng bày ở khu tưởng niệm Gạc Ma. Ảnh: Phương Linh

Xúc động trước kỷ vật của những anh hùng đã hi sinh giữ biển đảo Gạc Ma

Phương Linh LDO | 14/03/2024 08:39

Khánh Hoà - Sau 36 năm, những kỷ vật của 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988 còn lại không nhiều. Gác lại tình riêng, những người cha, người mẹ, người vợ một lần nữa trao phần ký ức ít ỏi ấy để góp vào minh chứng lịch sử Trường Sa.

Lá thư như lời báo tử

Trong hành trình tìm kiếm kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma để lưu giữ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (đóng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) như một điềm báo.

Đọc bức cuối của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (quê Thái Bình) ở khu trưng bày, nhiều người dân không khỏi xúc động. Ảnh: Phương Linh

Tháng 3.1987, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Phương lên đường nhập ngũ. Và cũng tháng 3 một năm sau đó, anh lên đường ra Trường Sa. Một tuần trước ngày 14.3, bức thư viết tại Cam Ranh đề ngày 6.3.1988, Nguyễn Văn Phương viết: “… gia đình cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về, bao giờ về là về thôi chứ bây giờ cũng chẳng được về thăm gia đình nữa đâu…”.

Tờ giấy nhập học của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương sau hơn 30 năm. Ảnh: Phương Linh

Trong ký ức của người cha già khi nhận được lá thư, ông không xem là lời nói gở mà chỉ thương rằng con động viên, không muốn mình phải bận lòng. Dòng thư tái bút mở ngoặc “từ nay con sẽ không viết thư về nữa đâu vì công việc bận, bưu điện lại quá xa, mong gia đình thông cảm cho con và gia đình đừng viết thư cho con, nếu viết con cũng không nhận được đâu”!

2 ngày sau khi bức thư đến tay ông Nguyễn Văn Mạo - bố liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, cũng là lúc ông nhận được tin con hi sinh.

Những kỷ vật còn lại của liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: Phương Linh

Đây là một bức thư đặc biệt trong số hàng chục bức thư của những những người lính Gạc Ma! Và không phải ngẫu nhiên bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương nằm trong số 3 kỉ vật ở bãi đá xếp nhô cờ đỏ sao vàng. Chỉ cách đó không xa là tờ giấy triệu tập Nguyễn Văn Phương vào học trường sĩ quan Lục quân 1. Đi học và đi vì Tổ quốc - cả cha và con đều không chọn con đường bình an cho mình.

Dưới phòng trưng bày đặc biệt bên vịnh Cam Ranh

Có lẽ hiếm ở nơi nào trên đất nước Việt Nam mà có phòng trưng bày nằm sâu dưới lòng cát bên vịnh Cam Ranh như ở khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. 156 tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam và chiến sĩ Gạc Ma được trưng bày ở đây. Trong số đó có 31 kỷ vật của anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma được các gia đình liệt sĩ trao tặng.

Khu trưng bày ngầm nằm dưới lòng cát ở bán đảo Cam Ranh lưu giữ hàng trăm tư liệu về Trường Sa. Ảnh: Phương Linh

Tấm thẻ đoàn viên của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông như gọi tên thanh xuân. Đó còn là cuốn học bạ, cuốn vở soạn văn của liệt sĩ Võ Đình Tuấn mà dẫu trải qua bao mưa bão, cụ Võ Ta vẫn giữ cho con suốt 30 năm. Không đợi được con về, cụ trao lại cho Ban quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Trong số 64 liệt sĩ hi sinh, đa số còn rất trẻ, chưa có gia đình. Cũng vì thế mà những bức thư là kỉ vật còn nhiều nhất. Đó là bức thư của liệt sĩ Lê Thế gửi về cho gia đình trước lúc lên đường ra Trường Sa, là thư của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường và chiếc ba lô của anh còn nguyên vết đạn.

Những kỷ vật biết nói ở khu trưng bày Gạc Ma. Ảnh: Phương Linh

Tấm áo bay của liệt sĩ Vũ Văn Thắng tặng cho cha trong đợt nghỉ phép cuối cùng được ông Vũ Văn Nghiệp giữ gìn. Thế nhưng khi cần, ông vẫn một lần nữa sẵn sàng giao lại. Bởi Tổ quốc cần, đâu ai ngại hi sinh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn