MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phạm nhân ở trại giam Yên Hạ đang học nghề may với mong muốn "vá" lại cuộc đời từng lầm lỡ. Ảnh: Trần Cường

Xưởng may đặc biệt của các nam phạm nhân trong trại giam Yên Hạ

Khánh Linh LDO | 07/02/2023 12:01

Sơn La - Từng đường kim, mũi chỉ liên tục được dập xuống, chạy suốt tạo thành những bộ quần áo đẹp đẽ. Người làm việc này không ai khác là các nam phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Yên Hạ.

Những ngày đầu năm mới, PV Báo Lao Động có dịp đến thăm trại giam Yên Hạ (thuộc Bộ Công an, đóng tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Trong sắc trắng tinh khôi của những bông hoa mận Tây Bắc, nơi gian xưởng rộng hơn 1.000m2, những phạm nhân vẫn miệt mài người cắt, người may, gấp, là. Ai cũng muốn học được một cái nghề để sau khi hoàn thành việc chấp hành án sẽ kiếm được công việc ổn định, nuôi sống bản thân.

Dẫn PV đi một vòng quanh trại, thượng tá Mùi Văn Cường - Phó Giám thị trại giam Yên Hạ chia sẻ: "Trại giam Yên Hạ có 3 phân trại, đóng tại các xã trên địa bàn huyện Phù Yên, hiện đang quản lý và giam giữ trên 3.000 phạm nhân, trong đó có 200 người chấp hành án chung thân.

Hiện công tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định và kế hoạch đã được phê duyệt. Các ngành nghề đang được Trại giam Yên Hạ tổ chức dạy cho phạm nhân lao động gồm trồng cây nông nghiệp, chăn nuôi, may mặc và mộc... ". 

Những phạm nhân ở trại giam Yên Hạ được đào tạo nghề may. Ảnh: Trần Cường 

Đôi bàn tay từng nhúng chàm cẩn thận vê từng nếp gấp, đưa vào máy rồi thành thục đạp chân chạy may, phạm nhân Lý A Sùng (26 tuổi, quê Vân Hồ, Sơn La) đang chấp hành án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma túy tâm sự: "Trước khi bị bắt mình chỉ làm nương rẫy, cũng không đi học, có biết may vá là gì đâu, còn chưa sờ vào máy may bao giờ. Vào đây mới được Ban giám thị tạo điều kiện cho đi học, biết chữ rồi dạy nghề cho". 

Sinh ra trong gia đình đông anh em trai, bố lại mất sớm khiến 5 anh em trai trong gia đình Sùng như những con thú hoang trong rừng. Không có học thức hay trình độ văn hóa để nhận thức được việc mình làm là sai trái, khiến anh bị kẻ xấu dụ dỗ đi mua bán trái phép chất ma túy và bị bắt năm 2017. 

"Trước khi bị bắt mình không có ước mơ gì nên cũng không nghĩ đến việc sẽ đi học cái nghề. Giờ vào đây rồi mình mới thấy học may cũng không khó lắm, chỉ cần chịu khó thì sẽ làm được thôi. Ngoài học may mình còn được tham gia thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.

Giờ mình thấy hối hận lắm, mẹ mình mới mất mình cũng không thể về chịu tang. Mình sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về nhà. Khi trở về chắc chắn mình sẽ xin vào một công ty nào đó, dùng chính nghề mình học được trong này để nuôi sống bản thân" - Sùng cười, nói. 

Mặc dù là nam giới, nhiều phạm nhân đã có tuổi nhưng từng công đoạn được thực hiện rất thành thục, khéo léo. Ảnh: Trần Cường 

Cách chỗ ngồi của phạm nhân Sùng không xa, phạm nhân Tuấn Hương Sinh (SN1970, trú tại Điện Biên, đang chấp hành án tù 3 năm về tội liên quan đến ma túy), cũng đang cẩn trọng cắt từng sợi chỉ. 

Phạm nhân ở tuổi ngũ tuần chia sẻ: "Học nghề ở tuổi này thực sự không dễ dàng gì, ở nhà mình cũng không mấy khi cầm đến cái kim, sợi chỉ. Ban đầu khi mới học thấy khó, học trước quên sau, rất may được các cán bộ tận tình hướng dẫn, đến nay thì cơ bản thành thục rồi".

Nói về những thuận lợi và khó khăn khi dạy nghề cho phạm nhân, thượng tá Mùi Văn Cường cho biết: "Hiện xưởng may của Trại giam Yên Hạ có 6 tổ, mỗi tổ 35 phạm nhân, tổng số 210 người. Khi đến đây, hầu hết các  phạm nhân trình độ văn hóa thấp, nhiều phạm nhân không biết chữ, không có nghề nghiệp ổn định.

Nhiều người chưa từng đụng đến máy may, phải cầm tay chỉ việc, thậm chí nhiều người học trước quên sau, phải dạy lại từ đầu. Nhưng có một điều rất thuận lợi là phạm nhân chăm chỉ, chịu khó, nên cứ miệt mài, ngày qua ngày rồi cũng dần biết làm".

Theo thượng tá Cường, phạm nhân vào đây được cán bộ kỹ thuật của công ty may Phù Yên (xã Gia Phù, huyện Phù Yên) trực tiếp hướng dẫn và đào tạo. Cùng với đó, trong nội bộ phạm nhân, người biết dạy cho người chưa biết, người giỏi dạy cho người chưa giỏi để cùng nhau học, cùng nhau biết.

"Các sản phẩm may của xường thường được mang ra bán ở chợ hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ. Cơ bản các phạm nhân sau khi ra khỏi trại thì tay nghề đã cứng, có thể làm thuê ở các doanh nghiệp bên ngoài" - vị phó Giám thị cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn