MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ths, Kỹ sư Lê Hữu Hoàng - Phó khoa Sinh hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM (thứ hai từ trái qua) - cùng các đồng nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh Gia Lai chống dịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Xuyên Tết chống dịch

Anh Nhàn LDO | 26/02/2021 07:40
Vội vàng tạm biệt vợ con, xếp vội hành lý, nhiều bác sĩ sẵn sàng xung phong đi đến những vùng dịch bệnh đang hoành hành và lao vào công việc nguy hiểm mà quên cả những ngày lễ, Tết.

Chống dịch những ngày giáp Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương như Gia Lai, Hải Dương. Thông tin về số ca bệnh liên tục tăng đòi hỏi những bệnh viện tuyến đầu phải chi viện nhân lực giúp các vùng dịch điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

23h ngày 23 âm lịch (4.2), Ths Kỹ sư Lê Hữu Hoàng - Phó khoa Sinh hóa Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - đang chuẩn bị vào giấc ngủ thì nhận được cuộc gọi từ BS CKII Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Việt thông báo, anh Hoàng được phân công đến Gia Lai chống dịch, chuyến bay sẽ cất cánh vào trưa hôm sau.

Ngồi dậy, anh Hoàng báo tin với vợ và hai vợ chồng rón rén thu dọn hành trang, tránh đánh thức các con. Đến rạng sáng, anh Hoàng chỉ kịp hôn tạm biệt con trong lúc hai đứa trẻ say giấc rồi vội đến ngay Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp giờ họp với Ban giám đốc. Trưa cùng ngày, chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh đến Gia Lai, anh Hoàng cùng 3 đồng nghiệp khác bay thẳng vào tâm dịch.

“Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia chống dịch. Trước đó, tôi cũng có nhiều lần tham gia hỗ trợ các địa phương. Lần gần nhất là tháng 8 năm 2020, tôi cùng đồng nghiệp đến Đà Nẵng hơn 1 tháng để trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19” - anh Hoàng tâm sự.

Đến Gia Lai, anh Hoàng cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến. Người kỹ sư 42 tuổi chịu trách nhiệm chính về việc thành lập khoa Sinh hoá tại Bệnh viện Dã Chiến Gia Lai. Khoa sẽ thực hiện xét nghiệm cho các bệnh nhân vừa mắc COVID-19, vừa mắc các bệnh nền. Từ kết quả xét nghiệm sinh hoá, các bác sĩ trực tiếp điều trị COVID-19 tại đây sẽ đưa ra phác đồ phù hợp cho từng người bệnh.

Những ngày ở tâm dịch cũng là ngày giáp Tết, anh Hoàng và đồng đội lúc này đang trong tình trạng “trực chiến” nên cũng quên mất nghỉ ngơi. Niềm vui lớn nhất của anh chính là những cuộc điện thoại Facetime từ gia đình, những lời động viên “Bố ơi, cố lên” từ hai người con.

“Tôi sợ mình bị mắc bệnh khiến đồng nghiệp phải điều trị cho mình, sợ cảm giác phiền cho mọi người” - anh Hoàng kể về những cảm xúc khi ở tâm dịch Gia Lai.

4 ngày sau (tức 28 Tết), đội phản ứng nhanh của anh Hoàng về lại TPHCM và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đến giao thừa. Suốt thời gian này, anh tự cách ly tại nhà, sinh hoạt riêng, tránh giao tiếp với những người trong gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Ngay giây phút giao thừa, anh Hoàng cũng từ xa nhìn vợ con cúng Tất niên. Đây là cái Tết đặc biệt nhất trong suốt 17 năm làm nghề của người đàn ông này. “Cái Tết khó quên đối với gia đình tôi và cũng là dịp để tôi được giúp người, giúp đời. Đến bây giờ, qua nhiều thăng trầm của công việc, tôi vẫn tự hào khi chọn nghề y và theo đuổi nghiệp này” - anh Hoàng cười nói khi được hỏi về quyết định lựa chọn nghề y.

“Mình không xung phong thì ai?”

Không chỉ đội ngũ hành nghề y lâu năm, những bác sĩ trẻ cũng tình nguyện vào các khu cách ly những ngày Tết. Đối với bác sĩ trẻ Nguyễn Tấn Nghĩa (25 tuổi, quê Quảng Nam), Tết Tân Sửu là những ngày thật đặc biệt.

Chàng trai này vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM, làm việc Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, TPHCM. Khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp những ngày cuối năm, anh tình nguyện xung phong vào khu cách ly tập trung của quận để hỗ trợ những trường hợp F1.

Công việc bắt đầu từ ngày 1.2 (20 âm lịch) và chưa biết ngày kết thúc. Gần 1 tháng trôi qua, bác sĩ Nghĩa đã có khoảng thời gian tuy cực nhưng rất đáng trân trọng ghi dấu những bước chân đầu tiên bước vào nghề y.

Tại khu cách ly tập trung quận Bình Thạnh, anh Nghĩa phải trực 24/24, đo nhiệt độ, nhập thông tin những người đang cách ly lên phần mềm, nhắc nhở nội quy và lên danh sách lấy mẫu xét nghiệm. Lần đầu ăn Tết xa bố mẹ, bạn bè, BS Nghĩa có chút nhớ quê nhưng công việc bận rộn khiến anh vơi đi phần nào nỗi nhớ.

“Mình không xung phong thì ai sẽ làm công việc này. Bao giờ tình hình dịch bệnh ổn định thì mình lại về thăm nhà. Có trực tiếp tham gia chống dịch mình mới hiểu nỗi vất vả của các y bác sĩ và càng vững tin vào lựa chọn của bản thân” - BS Nghĩa tâm sự.

Ngày 27.2 tới, nhiều đơn vị y tế tại TPHCM quyết định dừng các hoạt động chúc mừng nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam để tập trung phòng chống dịch COVID-19. Tuy các “thiên thần áo trắng” không được chung vui vào ngày đặc biệt của nghề nhưng trong lòng mọi người, họ chính là những chiến binh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn