MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Y, bác sĩ bệnh viện Tuệ Tĩnh trao đổi với PV Báo Lao Động. Ảnh: PV.

Y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương: Nghĩ đến công việc thấy chua chát

TRẦN TUẤN - HỮU CHÁNH LDO | 16/11/2021 14:02

Nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế) thấy chua chát khi nghĩ về công việc mình đang làm và mức lương nhận được hàng tháng. 

Theo phản ánh của nhiều cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Đông, Hà Nội) từ tháng 5.2021 đến nay, họ chỉ nhận được 50% mức lương theo hợp đồng khiến cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhiều người phải bán rau, ship hàng hoặc làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt.

Tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TPHCM gần 3 tháng và vừa trở về Hà Nội từ đầu tháng 10, chị Đặng Thu Hiền (điều dưỡng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết bị Bệnh viện nợ 50% lương từ tháng 5.2021 đến nay.

 Điều dưỡng Đặng Thu Hiền (trái) tham gia chống dịch ở TP.HCM từ tháng 7 - tháng 10.2021. Ảnh: NVCC

"Với số tiền lương 3,3 triệu đồng/tháng (bằng 50% tiền lương hàng tháng theo hợp đồng đã ký - PV) tôi không đủ tiền đóng học cho con. Trong khoảng thời gian chống dịch, cứ mỗi lần nghĩ đến công việc và mức lương được nhận, tôi lại thấy chua chát”, chị Hiền cho biết.

Nữ điều dưỡng này cho biết đã xoay sở, bán hàng online để kiếm thêm thu nhập nhưng “bước đầu cũng không ăn thua”. 

Vợ chồng anh Kiều Đức Xương và chị Lê Thị Định đều là y, bác sỹ đã làm việc tại bệnh viện Tuệ Tĩnh được 10 năm. Trước năm 2019, thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 14 triệu đồng. Đến nay, con số đó giảm xuống chỉ còn gần 5 triệu. Với số lương ít ỏi được nhận, mọi thứ đang khiến cuộc sống gia đình anh Xương bị xáo trộn.

 Bác sĩ Kiều Đức Xương. Ảnh: PV

“Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, vợ ở nhà chăm con, còn tôi phải đi khám chữa bệnh đông y thêm ở bên ngoài. Gia đình phải liệu cơm gắp mắm, làm ít tiêu ít, cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và đi tìm nguồn thu khác để phục vụ nhu cầu hằng ngày”, anh Xương cho hay.

Hay như trường hợp anh Trần Văn Trường (điều dưỡng Khoa Ngũ quan), mỗi ngày, anh phải đi quãng đường 30 km để đến bệnh viện làm việc. "Trong nửa năm nay, tôi chỉ được nhận hơn 2,9 triệu đồng/tháng. Nhưng mỗi tháng, tiền xăng xe đi lại đã là 700.000 đồng, số tiền còn lại không đủ lo cho bản thân chứ chưa nói đến gia đình", anh Trường cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hồng (điều đưỡng Khoa Ung bướu), đã công tác tại Bệnh viện 11 năm cho biết: "Từ ngày bị Bệnh viện nợ lương, bố mẹ ở quê phải gửi thức ăn ra đỡ đần. Thu nhập của hai vợ chồng hiện tại không đủ trang trải nhu cầu thiết yếu tại Hà Nội".

Nữ điều dưỡng Lê Thanh Huyền (khoa Phụ sản) bán rau vào buổi tối sau khi bị Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương kéo dài.

Nhiều lần làm đơn kiến nghị lãnh đạo Bệnh viện nhưng chưa nhận được phản hồi, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã gửi đơn kiến nghị đến các các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Y tế với mong muốn được cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Được biết, vào ngày 29.10 vừa qua, tập thể bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã làm đơn kiến nghị gửi đến Ban giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh đề nghị chi trả lương theo đúng quy định cho các cán bộ, y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện. 

Chiều 15.11, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ với đại diện Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam để làm rõ nội dung kiến nghị của cán bộ, nhân viên bệnh viện về việc chậm trả lương cho người lao động. Tuy vậy, đại diện đơn vị này cho biết, "sẽ thông tin trả lời sau".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn