MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện K. Ảnh: Thùy Linh

Ý kiến của Bộ Y tế và các chuyên gia về việc chuyển bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội quản lý

T.Linh - V.TRẦN - H.Anh ghi LDO | 05/08/2023 09:02

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được bàn thảo, trong đó, nội dung về việc chuyển giao các bệnh viện Trung ương trên địa bàn về cho TP Hà Nội quản lý nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Mô hình hiện tại phát huy hiệu quả với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ trưởng Bộ Y tế - Trần Văn Thuấn cho hay, hiện nay tất cả các ý kiến của các lãnh đạo bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ đều đồng thuận và mong muốn các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn tiếp tục ở lại Bộ Y tế quản lý, vì mô hình đang ổn định và đáp ứng được nhiệm vụ Bộ Y tế giao trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành đều đủ tiêu chí ở lại Bộ Y tế theo như tinh thần của Nghị quyết 19. Riêng Bệnh viện E là Bệnh viện Đa khoa, tuy nhiên lại là bệnh viện đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.

“Các mô hình hiện tại phát huy hiệu quả với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” - Thứ trưởng nói.

Tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc

GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - cho rằng: Các BV chuyên khoa, đầu ngành bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm hoạ…

Các cơ sở y tế này đã phát huy vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
“Nếu chuyển về TP Hà Nội quản lý sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc” - GS.TS Tạ Thành Văn cho hay.

Hà Nội khó đảm đương quản lý các bệnh viện tuyến Trung ương

PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho rằng: “Việc chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương về UBND TP Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải tham khảo Luật khám, chữa bệnh, vì Luật và quy chế tổ chức hoạt động đã quy định chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong khi hiện Sở Y tế Hà Nội quản lý các cơ sở y tế tuyến huyện, 42 bệnh viện công, hàng vài chục bệnh viện tư, hàng nghìn phòng khám, nhà thuốc tư nhân đã quá tải, mà nay còn quản lý thêm gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thì làm sao đảm nhiệm nổi?

Tránh gây những xáo trộn, ảnh hưởng tới khám, chữa bệnh

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội - cho hay, ngành y tế là ngành rất đặc thù, trực tiếp liên quan tới sức khoẻ, tính mạng của người dân. Do vậy, những chính sách cần phải đánh giá tác động rất chặt chẽ, cụ thể, kỹ lưỡng.

Ông Lợi phân tích, các bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có nhiều bệnh viện đặc biệt như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương… là những trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các địa phương. Nếu đưa các bệnh viện này về Hà Nội, quá trình triển khai chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật này sẽ phải đi “lòng vòng” hơn so với hiện tại.

“Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cũng như thực tiễn là các bệnh viện đặc biệt, bệnh viện tuyến Trung ương thì nên trực thuộc Bộ Y tế để chỉ huy trực chiến và chuyển giao khoa học công nghệ cho các địa phương?” - ông Lợi đặt vấn đề và nêu quan điểm không nên chuyển những bệnh viện tuyến Trung ương đang trực thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý.

Ngoài ra, theo TS Bùi Sỹ Lợi, các bệnh viện tuyến Trung ương đang đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đào tạo chuyên khoa… Nội dung này nên để Bộ Y tế là cơ quan quản lý ngành chứ không nên giao về địa phương. Đặc biệt, tránh gây những xáo trộn, ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh.

Không tác động đến chi phí khám chữa bệnh của người dân

Ngày 4.8, ông Nguyễn Đức Hoà - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, việc dự thảo Luật Thủ đô đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về TP Hà Nội quản lý… sẽ không ảnh hưởng đến chi phí khám chữa bệnh của người dân.

Bởi hiện nay, BHXH TP Hà Nội đang ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; chi phí khám chữa bệnh thực hiện theo Thông tư 39, năm 2018 của Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn