MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Youtuber Thơ Nguyễn từng nhiều lần bị chỉ trích vì đăng nội dung phản cảm

Phan Cúc LDO | 11/03/2021 17:52

Youtuber Thơ Nguyễn đã nhiều lần bị chỉ trích và tẩy chay khi đăng tải những nội dung bị đánh giá phản cảm, không phù hợp trẻ em lên trên mạng xã hội.

Sở hữu hơn 8,74 triệu lượt theo dõi, kênh Youtube Thơ Nguyễn từ nhiều năm qua luôn là lọt top những kênh có lượng người xem đông đảo nhất Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát nội dung đã nhiều lần khiến chủ kênh này bị cộng đồng mạng tẩy chay.

Kênh Youtube Thơ Nguyễn có tới hơn 8.7 triệu người đăng ký. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo tìm hiểu PV, chủ nhân tài khoản Youtube Thơ Nguyễn là Nguyễn Thị Hồng Thơ, sinh năm 1992 tại Bình Dương. Ngày 27.6.2016, kênh Youtube này chính thức đăng tải video đầu tiên. Tại thời điểm đó, video này nhận được hơn 1,5 triệu lượt xem và hơn 21 nghìn lượt thích.

Liên tiếp sau đó, Thơ Nguyễn tiếp tục sản xuất những video với nội dung giải trí hướng đến đối tượng chính là trẻ em.

Vào tháng 5.2017, mạng xã hội xôn xao và đồng loạt lên tiếng tẩy chay Thơ Nguyễn khi nhận định tiếng kêu rên trong video có tên “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff” được đăng tải ngày 26.11.2016 là phản cảm, không phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Thử thách làm bồn tắm thạch của Thơ Nguyễn được phản ánh chứa âm thanh không phù hợp. Ảnh: Chụp màn hình.

Kế đó, Thơ Nguyễn tiếp tục vướng vào “cơn bão” chỉ trích của cộng đồng mạng khi liên tiếp cho ra đời những video thử thách nguy hiểm, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ nhỏ.

Cụ thể, một số những video được thực hiện với tiêu đề như “Cho đá khô vào chai nước kín”, “thử nghiệm đun lon nước ngọt” để theo dõi hiện tượng phát nổ,...

Mặc dù trong video, Thơ Nguyễn liên tục cảnh báo đến các bạn nhỏ “trò này khá nguy hiểm nên các em đừng tự thực hiện lại nhé”, tuy nhiên nhiều khán giả nhận định đây chỉ là chiêu trò để duy trì những video dạng câu view.

Bởi nếu chỉ khuyến cáo bằng miệng kiểu qua loa sẽ không có nhiều tác dụng bởi lứa tuổi thiếu nhi vẫn chưa đủ khả năng để phân biệt tính chất nguy hiểm của sự việc.

Thử thách đun lon nước ngọt của youtuber Thơ Nguyễn gây phẫn nộ. Ảnh: Chụp màn hình

Trên kênh Youtube của Thơ Nguyễn còn xuất hiện rất nhiều những video thử thách 24h với nội dung như "24h sống ở bãi rác", "24h sống lênh đênh trên hồ nước", "24h trong thùng giấy, gầm bàn, nhà phao" … Những video được đánh giá là không có nhiều tác dụng hay giá trị hữu ích nào.

Mới đây nhất, ngày 25.2 và 27.2, nhiều người phản ánh Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung được cho là liên quan đến búp bê Kumanthong lên trên trang Tiktok cá nhân.

Cụ thể, Thơ Nguyễn đã đăng đoạn clip với nội dung xin vía học giỏi cho các em học sinh. Cách thức nữ YouTuber này thực hiện với một con búp bê trong clip đã gây nên nhiều tranh cãi. Phần lớn cho rằng nội dung này sẽ tạo nên những nhận thức lệch lạc cho trẻ em. Được biết, kênh Tiktok của Thơ Nguyễn có hơn 900 nghìn lượt theo dõi.

Hình ảnh trong clip gây tranh cãi của Thơ Nguyễn trên Tiktok. Ảnh: Chụp màn hình.

Sáng 11.3, ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết đơn vị đang phối hợp với Cục A03 Bộ Công an mời Thơ Nguyễn lên làm việc liên quan đến một số video, clip đăng tải gần đây vì nghi vấn video có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia tâm lý - giáo dục , PGS-TS Trần Thành Nam đánh giá, nhiều nội dung trên mạng xã hội có tính chất độc hại, không được kiểm soát chặt chẽ đang tiếp cận phổ biến với trẻ nhỏ. Đặc biệt là những trẻ em có biểu hiện ngại giao tiếp với xã hội hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn hoặc có những sở thích khác thường.

“Trẻ nhỏ chưa đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo. Nhiều nghiên cứu về mặt tâm lý đã chỉ ra rằng, hầu hết trường hợp này đều trong tâm trạng cô đơn, luôn muốn tìm kiếm sự thừa nhận và muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, trong đời sống thực lại chưa thể có được những mong muốn này” - PGS-TS Trần Thành Nam phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn